Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Các phiên chất vấn làm nóng nghị trường

Thủ tướng lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân về dự án Luật Đặc khu
Một vấn đề rất nóng hiện nay đó là việc Quốc hội đang xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đã nhận được nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các trí thức, chuyên gia về vấn đề cho thuê đất 99 năm và khẳng định sẵn sàng lắng nghe với ý thức trách nhiệm đối với ý kiến góp ý của tri thức, chuyên gia, nhân dân và đặc biệt là đại biểu Quốc hội về nội dung này. Thủ tướng nêu rõ: Thời hạn cho thuê đất 99 năm được quy định trong những trường hợp cá biệt và Thủ tướng sẽ xem xét sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách thu hút để có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt. Việc thành lập các đặc khu kinh tế phải thực hiện đúng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của Ban Chấp hành T.Ư và chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế.
Thành lập các đặc khu kinh tế đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Việc Việt Nam thực hiện là chậm hơn so với nhiều nước. Hiện, dự án Luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này. Chắn chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý, Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội.

Đưa “Trạm thu giá” về đúng tên gọi cũ
Ngày 4-6, trong phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã giải trình về một số vấn đề liên quan tới Bộ GTVT trong đó có chủ trương phát triển các dự án giao thông BOT. Theo Bộ trưởng đánh giá, chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế cho nhiều địa phương trên toàn quốc. Tuy vậy, việc khai thác các dự án BOT vẫn còn nhiều bất cập và tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ, ngành tiếp thu và rà soát, báo cáo Chính phủ để đưa ra phương án thay đổi đưa tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Bộ trưởng cũng đứng ra nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những yếu kém của ngành trong thời gian qua.
Trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Việc đổi tên “Trạm thu giá” thì chỉ cần lấy lại tên cũ là “Trạm thu phí”; không phải trình Chính phủ, trình xin ý kiến sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vấn đề ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà về các vấn đề về ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn, quản lý đất đai; kiểm soát, giảm thiểu tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước... đặc biệt là giải pháp xử lý.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nước ta là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thống kê cho thấy có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng... Mặc dù đã có Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 155 về xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm không khí... nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại và có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.
Thừa nhận ô nhiễm không khí là rất lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn liên quan đến giao thông và hoạt động xây dựng. Bộ TNMT với tư cách là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong cả nước, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí, từ đó biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào, sau đó công bố toàn bộ số liệu để nhân dân biết chính xác. Việc xác định trách nhiệm đến nay có tiến triển bước đầu là có thể xác định được nguồn nước thải và trách nhiệm của từng địa phương. Hà Nội đã có cơ chế xã hội hoá tham gia xử lý nước thải. Để giải quyết triệt để vấn đề này thì từng thành phố phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình đồng thời cần huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải, có công nghệ thích hợp để xử lý phân tán và xử lý chung.
Hoàng Linh