Tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi
Vấn đề tham nhũng đã hết sức “nóng” từ những phiên thảo luận đầu tiên của kỳ họp Quốc hội. Đa số các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm mang lại niềm tin cho nhân dân và được cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích cho rằng tình trạng tham nhũng hiện nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà biến tướng, ngày càng trở nên khó nắm bắt hơn với những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Phần lớn các vụ tham nhũng lớn được phát hiện là do mất đoàn kết nội bộ, tranh giành địa vị, chạy chức chạy quyền không thành, do đơn thư tố cáo, nhân dân phản ánh, báo chí vào cuộc lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới điều tra, kết luận và xử lý.
Bàn về việc thu hồi tài sản trong việc phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng, dù cơ quan công an điều tra, tòa án, viện kiểm sát có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra. Trên thực thế cho thấy tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân sách quốc gia. Theo báo cáo tổng kết 10 năm về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ thì thiệt hại được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất. Tuy nhiên, chỉ thu hồi được 7,82% về tiền và tài sản, 54,75% về đất. Đấy là một con số quá thấp. Các đại biểu cho rằng việc không quyết liệt trong thu hồi tài sản tham nhũng dẫn đến vừa thiếu tính răn đe vừa gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Các đại biểu cho rằng 92% số tiền tham nhũng không kiểm soát và thu hồi được là do trong các vụ án tham nhũng, người phạm tội thường là người có chức vụ, có trình độ, học vấn chuyên môn nhất định. Vì vậy, việc phạm tội thường có sự chuẩn bị kỹ càng với nhiều thủ đoạn tinh vi và tài sản do phạm tội thường được giấu kỹ lưỡng. Nhưng cũng phải nghiêm khắc tự thừa nhận rằng trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, chuyển dịch để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản. Vì vậy nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của ông Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ: trong việc chống tham nhũng thì “phòng” tốt hơn “chống”. Phải có hệ thống pháp luật, các quy định, biện pháp chặt chẽ, có tính răn đe khiến cho đối tượng không có cơ hội tham nhũng, thậm chí không có ý định sẽ tham nhũng. Điều đó tốt và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc để đối tượng tham nhũng rồi mới tìm kiếm và xử lý.

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018
Trong tuần làm việc thứ 3, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, với 417 đại biểu tán thành, chiếm 84,93%. Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Các chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoả̉ng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
**
Ngày 16-11, Thủ tướng, 2 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh án Tòa án NDTC bắt đầu trả lời chất vấn**
Trong 3 ngày từ 16 đến 18-11, năm thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời nhóm vấn đề về công tác quản lý thuế; trong đó tập trung vào những nội dung: giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế; chuyển giá; lĩnh vực hải quan; đảm bảo tài chính an toàn, bền vững và các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công an toàn và hiệu quả.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời các vấn đề liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ; đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được Nhà nước xử lý và các giải pháp an toàn hiệu quả cho cả hệ thống ngân hàng, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời các vấn đề liên quan tới việc ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; hệ thống dịch vụ truyền thông; việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; các giải pháp kiểm soát thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội; định hướng thông tin tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội. Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực sẽ tham gia làm rõ thêm.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời các vấn đề về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...
Cuối cùng, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời tóm tắt các nội dung chất vấn và đồng thời trả lời trước cử tri, Quốc hội những nội dung mà Đại biểu Quốc hội chất vấn.
Hoàng Linh