Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn 16 nhóm vấn đề
Cần nhiều giải pháp hơn nữa cho nền kinh tế
Trong buổi thảo luận về vấn đề kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét; sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải; còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế.
Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2017 có nhiều chuyển biến trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Nhưng cũng nhấn mạnh rằng thu ngân sách nhà nước tăng 2,5% so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách T.Ư khó đạt dự toán, một số khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm.
Lùi chương trình sách giáo khoa
Trong phiên làm việc chiều 2-11, Chính phủ chính thức trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88 ngày 28-11-2014 của Quốc hội. Giải trình về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết dù Nghị quyết 88 của Quốc hội có từ cuối năm 2014 tới nay nhưng kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn SGK, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến, việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới ngay từ năm học 2018-2019 sẽ khó đảm bảo về chất lượng.
Do đó Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này trong ngành Giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết. Bộ trưởng đề xuất sẽ lùi thời gian triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới so với kế hoạch đã đề ra từ năm 2019 thay cho 2018, thực hiện cuốn chiếu đối với cấp tiểu học (từ năm học 2019 -2020), đối với cấp trung học cơ sở (từ năm học 2020-2021) và đối với cấp trung học phổ thông (từ năm học 2021-2022). Như vậy, so với lộ trình ban đầu, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm.
Thảo luận về vấn đề này, cơ bản các đại biểu nhất trí với việc lùi thời gian áp dụng chương trình sách SGK theo lộ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn kế hoạch cho việc xây dựng chương trình giáo dục mới và việc biên soạn SGK chưa được tính toán rõ; chưa đánh giá cụ thể cơ sở vật chất; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Một số ý kiến còn lo ngại khi mà trên thực tế đã qua 3 năm triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội nhưng việc chuẩn bị vẫn còn nhiều hạn chế, phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, SGK mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều, nếu không đẩy mạnh hơn nữa tiến độ làm việc thì dù hết thời hạn chưa chắc đã triển khai được.
16 nhóm vấn đề Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn
Kỳ họp này, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với 16 nhóm vấn đề gồm: Giải pháp khắc phục và hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vấn đề thoái vốn và hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ lớn, kéo dài, giải pháp khắc phục; giải pháp cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả; kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giải quyết các dự án có nguy cơ khó triển khai thực hiện; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng phân bổ vốn đầu tư (kể cả đầu tư trung hạn, chương trình mục tiêu quốc gia) chậm, làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn xây dựng, đến phát triển kinh tế xã hội; giải pháp và lộ trình thực hiện việc xử lý dứt điểm các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương; vấn đề đầu tư, làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, chậm cổ phần hóa; vấn đề thoái vốn và hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ lớn, kéo dài, giải pháp khắc phục; vấn đề cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh; việc lùi thời gian thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông; nguyên nhân và lộ trình cụ thể khi thực hiện; việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hiện nay; trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng đặt trạm thu phí không đúng vị trí, cơ sở tính toán phí giao thông, thời gian hoàn vốn quá dài làm lợi cho nhà đầu tư, thiệt hại cho người dân khi tham gia giao thông trong các dự án đầu tư BOT giao thông; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế, quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng để xử lý lượng xỉ than rất lớn tại các nhà máy nhiệt điện, cũng nằm trong các đề xuất cuả đại biểu; giải pháp để xã hội hóa có hiệu quả các lĩnh vực trọng yếu, nhất là y tế, giáo dục để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, mong muốn thiết yếu của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân, giải pháp, lộ trình khắc phục tình trạng văn bản có quy định không phù hợp nhưng chậm được các bộ, ngành sửa đổi; nhiều văn bản được ban hành nhưng không có tính khả thi, chồng chéo, bất cập đã diễn ra trong nhiều năm; việc thực hiện cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế chưa thực sự đạt kết quả, việc cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở nhiều lĩnh vực còn chậm, nhiều vướng mắc bất cập chậm được tháo gỡ, sửa đổi, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội; giải pháp khắc phục trong thời gian tới cũng được một đoàn đề xuất; giải pháp khắc phục tình trạng phân bổ vốn đầu tư trung hạn, đặc biệt là phân bổ vốn này trong năm 2017 và vốn ODA bị chậm, không đúng với kế hoạch trong nghị quyết của Quốc hội, tình trạng đã phân bổ, nhưng giải ngân chậm; giải pháp khắc phục tình trạng chất lượng, nội dung và thời gian của các dự án luật trình Quốc hội không đảm bảo theo luật; việc thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của các quỹ được quy định trong các bộ luật, luật.
Hoàng Linh