Đặc biệt, về chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa củng cố, tăng cường quốc phòng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và ngược lại, nhiều đại biểu nhất trí với dự luật; nhấn mạnh tới sự cần thiết phải quy định rõ vấn đề này trong Luật Quốc phòng (sửa đổi). Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh T.P Hồ Chí Minh nêu rõ đóng góp của quân đội trong phát triển các khu kinh tế quốc phòng ở biên giới. “Kinh tế quốc phòng làm cho quốc phòng mạnh lên. Khu kinh tế quốc phòng chính là bà đỡ cho nhân dân vùng biên giới để họ có công ăn việc làm, bám biên giới, bám làng bản, làm phên giậu cho đất nước”, đại biểu Chương khẳng định.
Chung quan điểm, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh. “Quân đội tập trung nghiên cứu công nghiệp quốc phòng để không chỉ bảo vệ đất nước mà còn xuất khẩu”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.
Đại biểu Phan Văn Tường (Đoàn Thái Nguyên) nêu quan điểm, kết hợp kinh tế với quốc phòng bản chất là xây dựng thế trận quốc phòng, mà thế trận quốc phòng về cốt lõi là quy hoạch quốc phòng. Ví dụ, các đoàn kinh tế-quốc phòng bao giờ cũng lấy ổn định biên giới, ổn định dân cư khu vực biên giới làm trọng để xây dựng chương trình kinh tế. Do vậy, đại biểu đề nghị thống nhất quan điểm quân đội thông qua việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế để củng cố thế trận quốc phòng.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) nêu thực tế khi giám sát tại các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tại những vùng này, vai trò của các đơn vị quân đội rất quan trọng. Việc tham gia xây dựng kinh tế, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng, bảo đảm ổn định và an dân ở khu vực biên giới là rất quan trọng. Kinh tế ở những vùng phên giậu của đất nước rất khó khăn, trong khi các nhiệm vụ chính trị, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo đều rất khó thực hiện nếu không có lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia.
Đức Bình