Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV: Kê khai tài sản: Chức vụ càng cao, càng phải minh bạch
Không có vùng cấm
Vừa qua, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đồng tình với Bộ Chính trị, các đại biểu Quốc hội cho rằng Quy định này đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, một lần nữa khẳng định không có vùng cấm nào và không có loại trừ nào với người kê khai tài sản, chức vụ càng cao càng phải minh bạch, càng phải làm gương trước.
Đại biểu Lê Thị Thủy (Hải Dương) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng Quy định số 85 của Bộ Chính trị vừa được ban hành rất hợp lòng dân; theo Quy định này, sẽ không có bất kỳ một vùng cấm nào, tất cả các cán bộ cao cấp nhất đều nằm trong diện kiểm tra và không thể tránh né. Toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều sẽ bị kiểm tra, xác minh khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; khi có đơn thư, kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ hay có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về việc kê khai tài sản không trung thực.
Đồng tình với ý kiến đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phân tích trước đây việc kê khai tài sản nhiều khi chỉ mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng tài sản thực tế của một số đối tượng. Tuy nhiên với Quy định này, việc kiểm tra, giám sát sẽ được siết chặt hơn và có hệ thống hơn nên sẽ xác định được ai kê khai không trung thực, không đúng để xem xét xử lý, làm cho kê khai đi vào thực chất, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Với người có chức vụ càng cao, quá trình kiểm tra, giám sát sẽ càng khó khăn, nhạy cảm, nhưng quyết tâm sẽ làm được. Việc tập trung vào đối tượng này sẽ làm cho cán bộ cấp cao làm gương, làm nghiêm túc, rồi tiến hành với các đối tượng khác cho đồng bộ. Đây là một trong những vấn đề thể hiện Đảng có trong sạch vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính vì dân không phải bắt đầu từ việc rất cụ thể, gắn liền với mỗi đồng chí lãnh đạo.
Băn khoăn phương án vốn cho Long Thành
Một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đó chính là việc xây dựng phương án huy động vốn để xây dựng Cảng hàng không Long Thành. Theo cơ sở số liệu, thông tin điều tra, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất, tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án vào khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tại kỳ họp trước, Quốc hội chỉ thông qua 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong thời điểm hiện nay, khi ngân sách còn đang rất khó khăn thì việc xây dựng và làm rõ phương án huy động vốn cho xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành một bài toán không hề đơn giản.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo rõ hơn về các nguồn lực để thực hiện, làm rõ hơn việc huy động các nguồn lực từ đất đai. Các phương án huy động vốn phải được xây dựng chi tiết, rõ ràng thì Quốc hội mới có thể xem xét thông qua dự án này.
Các đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai), Trần Anh Tuấn (T.P Hồ Chí Minh), Thuận Hữu (Hải Phòng) cũng cho rằng Chính phủ phải tính toán hết các nguồn, không để đến lúc đặt Quốc hội vào sự đã rồi vì thiếu vốn. Đồng thời phải làm rõ cơ cấu vốn từng phần để huy động được nguồn lực thực hiện, làm rõ tính khả thi thông qua các tiêu chí về kinh tế tài chính, xã hội và nếu để Quốc hội thông qua thì Chính phủ phải giải trình được việc kinh phí xây dựng lấy từ đâu, từ các nguồn dự phòng, bằng các nguồn khác như tái định cư, xã hội hóa bến bãi…
**Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 13 đến 15-6 **
Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội công bố thời gian thực hiện phiên chất vấn của kỳ họp lần này sẽ kéo dài trong 3 ngày từ ngày 13 đến 15-6. Trong đó các nhóm vấn đề chính sẽ được nêu ra tại phiên chất vấn là:
- Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Người có trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ NNPTNT.
- Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công. Người có trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ KH và ĐT.
- Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh. Người có trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội. Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch. Người có trách nhiệm trả lời chính về vấn đề này là Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Hoàng Linh