Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV: Phát triển kinh tế-xã hội phải đảm bảo cân bằng và bền vững
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm
Ngày 7-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội.
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các đại biểu bày tỏ sự lo lắng về con số ước bội chi ngân sách năm 2016, dư nợ công sát ngưỡng 65% GDP, nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh việc nợ công tăng nhanh, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành các quy định về đầu tư công còn lỏng lẻo, chất lượng dự án còn thấp, phải bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian đã làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải báo cáo rõ dự kiến phân bổ vốn cho các dự án, trong đó xác định rõ các dự án, công trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, để các dự án này phải góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ phải đốc thúc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, xử lý nghiêm sai phạm trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư, khắc phục triệt để những hạn chế thời gian qua.
Khuyến khích tích tụ ruộng đất
Những giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, ngành nông nghiệp của đất nước đã có sự chuyển biến đáng kể, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gia tăng những sản phẩm có giá trị, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp được hình thành và phát huy hiệu quả. Nhưng để phát huy được hết tiềm năng của nông nghiệp thì cần khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế cùng vào cuộc; đặc biệt phải đẩy mạnh hơn nữa việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thay đổi phương thức sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nông nghiệp.
Các đại biểu đề nghị cần đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, giảm đầu vào, quan tâm đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến, thương hiệu, coi trọng giá trị dinh dưỡng và yếu tố thực phẩm chức năng từ các sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ sản phẩm đầu ra có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương, có yếu tố thị trường, có giá trị kinh tế cao, giảm yếu tố đầu vào, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa phát triển, gặp nhiều khó khăn xây dựng đề án tái cơ cấu phù hợp với hoàn cảnh riêng.
Hoàng Linh