Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII:Quyết định nhân sự cấp cao của đất nước
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kỳ họp thứ 11 có khối lượng công việc khá lớn với nội dung quan trọng là kiện toàn bộ máy Nhà nước. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội; các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng. Đầu tiên Quốc hội sẽ dành khoảng 4 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.
Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Đây là những dự án luật ưu tiên nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai Hiến pháp 2013. Đồng thời tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành thảo luận việc phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa Án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, trong hơn 10 ngày cuối cùng của kỳ họp, bắt đầu từ ngày 30-3, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Việc miễn nhiệm và bầu nhân sự mới đều được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín. Chiều cùng ngày, sau khi kết quả bỏ phiếu miễn nhiệm được công bố, nhân sự dự kiến để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ được trình Quốc hội. Ngày 31-3, sau khi có kết quả kiểm phiếu và Quốc hội thông qua nghị quyết bầu chức danh này, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Ngay sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước. Nhân sự mới để bầu Chủ tịch nước được trình vào chiều cùng ngày và kết quả bầu được công bố ngày 2-4. Chủ tịch nước cũng sẽ tiến hành tuyên thệ trước Quốc hội.
Ngày 6-4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng và tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm vào chiều cùng ngày. Đồng thời, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Kết quả bầu Thủ tướng sẽ được công bố vào ngày 7-4. Ngay sau đó, Thủ tướng mới sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
PV