Ngày 12-4-2016, Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII đã bế mạc đánh dấu một nhiệm kỳ được đánh giá là thành công của Quốc hội, nhất là trong lĩnh vực lập pháp. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thảo luận và đã ban hành 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều Nghị quyết, trong đó có nhiều bộ luật quan trọng của đất nước và đặc biệt là Hiến pháp 2013 với nhiều điểm mới có tính kế thừa, phát huy những giá trị tiến bộ trở thành cơ sở, nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Thể chế hóa Hiến pháp, trong nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội cũng được cử tri cả nước đánh giá cao bởi quy trình lập pháp có nhiều cải tiến. Việc thảo luận và thông qua các dự án luật tại các kỳ họp ngày càng đi vào nề nếp, đúng quy trình và có chất lượng. Nhiều dự án luật được đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến một cách trách nhiệm, có phản biện sâu sắc, đáp ứng được mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Ngay trong kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 7 dự án luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai Hiến pháp 2013. Đó là các Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Các đại biểu cũng xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020; xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… Việc Quốc hội thông qua các luật và nghị quyết đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố tổ chức hoạt động của Nhà nước và đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế.
Đặc biệt trong hơn 10 ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội đã kiện toàn nhân sự cấp cao: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chính phủ có 21 thành viên mới, trong đó có ba tân Phó thủ tướng gồm các ông Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và 18 Bộ trưởng, trưởng ngành.
Việc Quốc hội kiện toàn bộ máy nhân sự được đánh giá là một dấu ấn đậm nét của Kỳ họp lần này. Phần lớn nhân sự do Đảng giới thiệu đều được Quốc hội đồng thuận cao, tính dân chủ trong việc bầu chọn cũng được phát huy. Số phiếu cao, thấp cũng là thông tin cực kỳ quan trọng thể hiện tính dân chủ, để cử tri và nhân dân đánh giá những vị trí được bầu chọn. Kỳ họp này cũng lần đầu tiên các chức danh lãnh đạo chủ chốt tuyên thệ khi nhậm chức theo quy định của Hiến pháp. Đây là nghi lễ rất ý nghĩa và trang trọng. Đó cũng là những lời cam kết của bộ máy lãnh đạo đối với đất nước, với Quốc hội và cử tri.
Linh Hoàng