Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII: Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân
Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người", "tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp", "bảo đảm quyền được thông tin" của công dân; cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin là cần thiết để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
Để Luật Tiếp cận thông tin thực sự mang lại hiệu quả, các đại biểu đề nghị cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận thông tin; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin...
Trước đó, Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân. Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội với mục tiêu phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí; đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bàn về Luật Trưng cầu ý dân, các đại biểu cho rằng đây là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao hơn nữa quyền và nghĩa vụ công dân. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, trước khi tiến hành trưng cầu ý dân, Quốc hội phải xác định vấn đề đó có thực sự quan trọng hay không để tránh bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng xuyên tạc.
Trong tuần, các đại biểu cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phí, lệ phí. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc dự án Luật, đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật và thực hiện theo cơ chế giá, còn các danh mục chi tiết phí, lệ phí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch để đảm bảo không để tình trạng phí chồng phí.
Một nội dung cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân đó là Luật Trẻ em (sửa đổi). Dự thảo Luật được đánh giá là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, hài hòa với các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phùng Khắc Đăng (đoàn Sơn La) cho rằng việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền trẻ em; khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Hoàng Linh