Kính thiên văn lớn nhất thế giới đi vào hoạt động (12/03/2013)
Được khởi động từ năm 2003, dự án ALMA là một trong những chương trình khoa học lớn trên thế giới và là kết quả của sự hợp tác của nhiều quốc gia bao gồm Liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, và Chile, với chi phí ước tính trên 1 tỷ euro.
Mục đích của dự án này là nhằm khám phá những vùng xa xôi nhất và bí ẩn nhất trong không gian, để tìm ra nguồn gốc sự hình thành vũ trụ. ALMA được đặt tại sa mạc Atacama, Chile, có độ cao 5000 m so với mặt nước biển, cúng là nơi khô nhất trên thế giới với chu kỳ mưa trung bình là 14 năm một lần.
Ông Gianini Marconi, nhà khoa học thuộc dự án ALMA cho biết "đây thực sự là dự án kính thiên văn học lớn nhất thế giới mà trước đây chúng ta chưa từng xây dựng."
ALMA bao gồm 66 ăngten parabol rất lớn (50 ăngten đã được vận hành trong ngày khánh thành), mỗi chiếc cao khoảng 12 m và nặng trên 100 tấn. Khi kết nối lại với nhau, chúng tạo thành một kính thiên văn vô tuyến khổng lồ có đường kính 16 km.
Với kích thước khổng lồ đó, kính thiên văn này có thể quan sát được những vùng xa xôi nhất trong không gian, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nguồn gốc của vũ trụ, về sự hình thành giải thiên hà. Ngoài ra ALMA còn có thể khám phá ra nguồn gốc của chất hữu cơ, yếu tố quan trong của sự sống, tạo ra một bước tiến mới trong lĩnh vực hóa học thiên văn.
Ông Massimo Tarengui, đại diện Đài thiên văn Nam Âu, một đối tác của dự án nhấn mạnh: "Với ALMA, chúng ta có thể tiến hành quan sát với độ phân giải và độ nhạy sáng tốt nhất từ trước đến nay. Điều này có thể sẽ làm chúng ta thay đổi hoàn toàn quan niệm về một phần nào đó trong không gian. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho những gì đến này vẫn ngoài tầm với của con người."
Những hình ảnh mà ALMA chụp được sẽ do Corrélateur, một trong những máy tính trung tâm mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế riêng cho dự án này, xử lý./.
Theo Vietnam+
(TH)