Kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014: Những kết quả đáng mừng
Năm 2014, với những khó khăn bộn bề trong nền kinh tế-xã hội đất nước, đòi hỏi sự phấn đấu vượt qua của các cấp, các ngành và người dân cả nước… Tại cuộc họp báo về phiên họp thường kỳ tháng 10-2014 của Chính phủ diễn ra mới đây đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng.
Theo đánh giá của Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn thách thức và hạn chế nhưng tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014 của cả nước tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp đạt khá, năng suất và sản lượng lúa hè thu tăng cao. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu với mức khoảng 1,87 tỷ USD. Lãi suất ngân hàng, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đảm bảo an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp so với tháng 12-2013; chỉ số giá tiêu dùng tháng 10-2014 có mức tăng 2,38% là mức thấp nhất so với cùng kỳ trong suốt 11 năm qua… Đây là những tín hiệu đáng mừng trong nền kinh tế-xã hội nước ta hiện nay.
Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế-xã hội nước ta cũng đang còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn; tăng trưởng tín dụng tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, tổng mức bán lẻ có chuyển biến nhưng vẫn chậm…Liên quan đến vấn đề nợ công, nợ xấu đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm hiện nay, Chính phủ quyết tâm bảo đảm an toàn nợ công và giải quyết nợ xấu.
Trong những năm gần đây, nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh; theo Bộ Tài chính là do sự gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển, chi trả nợ và do nguồn thu cho ngân sách giảm đi nhưng nhìn tổng thể thì nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn. Nợ công quốc gia, bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương hiện trong giới hạn cho phép, không vượt quá 65% GDP. Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%. Tuyệt đại đa số nợ công (98%) là để chi cho đầu tư phát triển; Chính phủ đảm bảo nguồn ngân sách trả nợ không quá 25% tổng ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ ngân sách huy động trả nợ khoảng 19,5% tổng chi ngân sách. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo chiến lược đã đề ra, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép, sử dụng tiền vay có hiệu quả; kiểm soát chặt nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn bằng 25% GDP.
Về giải quyết nợ xấu, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, từ năm 2012 đến tháng 10-2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43% (giảm từ khoảng 460.000 tỷ đồng nợ xấu xuống còn 252.000 tỷ đồng, tương đương 54,3%). Đến hết tháng 9-2014, VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) đã mua vào khoảng 125.000 tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu hết năm 2014 sẽ mua từ 130.000 tỷ đến 150.000 tỷ đồng nợ xấu; hiện VAMC đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu và tiếp tục bán khi thị trường đảm bảo việc bán nợ xấu có lợi nhất. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ 5,43% hiện nay xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra và trong suốt quá trình giải quyết nợ xấu sẽ tuyệt đối không dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu… Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mức phát triển GDP của cả nước trong năm 2014 này sẽ đạt mức 5,8%.
Thanh Huyền