Kinh tế-xã hội đất nước: Tiếp tục ổn định và tăng trưởng

Trong 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán. Cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký mới và hơn 12.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình giảm lãi suất, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh sử dụng vốn ODA, không để tình trạng có tiền mà không giải ngân được. Trong 5 tháng đầu năm, lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thu hút vốn FDI tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,16 tỷ USD, tổng vốn FDI thực hiện đạt 5,8 tỷ USD. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Các cấp, các ngành tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, các hộ dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung để giải quyết một phần khó khăn cho người dân. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước. Tính đến ngày 15-5, các tỉnh phía Nam gieo cấy được 1,02 triệu héc-ta, trong đó các tỉnh ĐBSCL gieo cấy được 945,4 nghìn héc-ta, bằng 88,3% cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4 triệu lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 67,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 66,34 tỷ USD… Về lao động việc làm, trong 5 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho 613,8 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động là hơn 43.000 người. Về an toàn giao thông, trong 5 tháng đầu năm (từ ngày 16-12-2015 đến 15-5-2016), cả nước xảy ra 8.374 vụ TNGT, làm chết 3.588 người, bị thương 7.339 người. Số vụ TNGT giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra. Để ổn định tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm nay, không lập quỹ bình ổn giá điện, không tăng phí tại các dự án giao thông BOT; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, sữa... Về tăng giá dịch vụ y tế, phải có lộ trình, bước đi thích hợp và không điều chỉnh đồng loạt tại các địa phương, đảm bảo giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám, chữa bệnh.
Với những trở ngại, khó khăn mới nảy sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển KTXH được dư luận xã hội quan tâm, các bộ ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đang sử lý rốt ráo.
Về sự cố môi trường khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân khu vực, Chính phủ và các nhà khoa học nhanh chóng vào cuộc điều tra nguyên nhân và có các biện pháp kịp thời hỗ trợ cuộc sống người dân, ổn định tình hình. Đến nay, nguyên nhân gây cá chết đã được xác định, nhưng do đây là sự kiện môi trường quy mô lớn lần đầu tiên xảy ra ở nước ta nên cần có thời gian xác minh kỹ càng, toàn diện với các cơ sở khoa học với quan điểm rõ ràng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, không có vùng cấm, bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ra đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật. Thủ tướng chỉ đạo mời các cơ quan tư vấn trong nước và ngoài nước phản biện độc lập trước khi công bố kết luận chính thức vì đây là vấn đề rất quan trọng. Nhiều vấn đề nổi cộm khác, được dư luận quan tâm trong thời gian qua như chế độ miễn thị thực cho công dân một số quốc gia, chuyện gãy đổ cột điện ở Bắc Giang và đổ đất vào bê tông xây trụ điện tại Nam Định; chuyện bán than của TKV, về chủ trương mở rộng Sân bay Nội Bài, về việc lập và đưa vào hoạt động một số trạm thu phí BOT không hợp lý; về lộ trình sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5 gần như không khả thi… cũng được lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Tài chính giải đáp, những vấn đề có tiêu cực được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; những vấn đề đang làm sẽ được xử lý, tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thực hiện… Về dự án xây dựng mở rộng Sân bay Nội Bài, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Chính phủ quy hoạch xây dựng 4 nhà ga T1, T2, T3 và T4; nhà ga T3 và T4 được cắm mốc lộ giới xây dựng, nhưng để giải quyết kịp thời tình trạng quá tải hiện nay, Bộ trình Chính phủ thực hiện phương án mở rộng nhà ga T1 và T2 trước năm 2020 để đáp ứng ít nhất 20 triệu lượt khách/năm bằng xây dựng đường băng thứ 3...
THANH HUYỀN