Kinh tế Việt Nam năm 2015: Hai cơ hội, một nỗi lo
Tiếp đà nỗ lực của các năm trước, đặc biệt là của năm 2014, bước vào năm mới 2015, nền kinh tế Việt Nam có một sức vươn lớn đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, khi hòa nhập sâu rộng cùng kinh tế thế giới thì nền kinh tế của đất nước cũng gặp những thách thức không nhỏ từ chủ quan cũng như khách quan, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng vượt qua.
Bước vào năm mới 2015, nền kinh tế nước ta có hai cơ hội lớn để tạo nên bước chuyển lớn là việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực và vận hành, cùng đó là chúng ta bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) theo định hướng là khu vực kinh tế ổn định, là thị trường thống nhất của 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hóa, vốn, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong các nước với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng; các rào cản pháp lý về ngăn cản thương mại, thu hút đầu tư của một nước ASEAN này trên một nước ASEAN khác được dỡ bỏ, mang lại cơ hội lớn cho các nước ASEAN thông qua một thị trường rộng lớn và bình đẳng với 600 triệu dân và tổng GDP hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Khi tham gia vào AEC, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kinh tế của Việt Nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5%, người tiêu dùng có cơ hội được dùng các loại hàng hóa tốt hơn, rẻ hơn, dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam hứa hẹn sẽ nhiều hơn. Hiện nay, các nước ASEAN đều đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị các mặt cho việc đưa AEC vào hoạt động cuối năm 2015…
Ngoài AEC, năm nay chúng ta còn tham gia ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự tham gia của 12 nước là Mỹ, Ca-na-đa, Mê-xi-cô, Pê-ru, Chi-lê, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ma-lay-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây, Việt Nam và Nhật Bản. TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 804 triệu người, sản lượng kinh tế đạt 27.807 tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới. Hiện nay, TPP đang bước vào giai đoạn gấp rút để chuẩn bị ký kết. TPP đã trải qua hơn 20 cuộc đàm phán chính thức và còn 20 lĩnh vực vẫn đang tiếp tục đàm phán nhưng phần lớn đã được thống nhất và có thể kết thúc đàm phán vào đầu năm 2015 này. Rõ ràng, sự tham gia của Việt Nam vào AEC và TPP sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế vượt bậc trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Năm 2015 đã chính thức bắt đầu, kinh tế Việt Nam bước vào một trang mới đầy hứa hẹn.
Để biến cơ hội này thành hiện thực phát triển kinh tế đòi hỏi một sự cố gắng lớn lao của cả đất nước, tránh để Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước mà không phát triển được kinh tế của riêng mình. Liệu Việt Nam có thua ngay tại sân nhà? Đây chính là nỗi lo của chúng ta trước hai cơ hội lớn phát triển kinh tế trong năm 2015 này. Nỗi lo này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó lo nhất là việc nước ta là một trong những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong cả AEC lẫn TPP, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước 5 thách thức là cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu với chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao. Một nỗi lo khác hiển hiện là việc người lao động Việt Nam có năng suất làm việc và kỷ luật lao động thuộc tốp thấp nhất trong khu vực. Người lao động có trình độ, có kỹ năng cao của chúng ta rất thiếu trong nhiều lĩnh vực sản xuất hiện đại. Sự chuẩn bị của chúng ta khi vào “sân chơi chung” AEC và TPP tuy đã và đang diễn ra nhưng còn chưa kịp với tốc độ chung khi nhiều chính sách còn chậm được sửa đổi, ban hành; việc quan tâm, tìm hiểu và đề ra các bước đi thích hợp của rất nhiều doanh nghiệp về AEC và TPP còn rất ít, nhiều người còn rất lơ mơ chưa hiểu AEC và TPP là gì, với người dân thì tỷ lệ này lại càng lớn hơn.
Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ngay từ những ngày đầu của năm mới 2015 này để gia nhập AEC và TPP, toàn những việc chẳng thể đừng để gia nhập “sân chơi chung” phát triển kinh tế với khu vực và toàn cầu, biến những cơ hội thành hiện thực phát triển kinh tế đất nước. Việc này không thể là chuyện “ngày một, ngày hai” nhưng chúng ta phải làm ngay, là việc của các cấp vĩ mô cũng như vi mô là mỗi người chúng ta, mỗi doanh nghiệp trong đất nước chúng ta để xóa một nỗi lo cho hai cơ hội vàng AEC và TPP dần trở thành hiện thực.
Quốc Huy