Kinh tế Việt Nam 2015 bước vào giai đoạn phục hồi

Tại hội thảo "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015: Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” ngày 22/1, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã đưa ra đánh giá, từ quý III/2013 kinh tế Việt đã có dấu hiệu hồi phục yếu ớt. Sang năm 2014, thể trạng nền kinh tế giống như "người ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe", tức là trì trệ. Nhưng sang 2015 này, tất cả các tín hiệu cho thấy nền kinh tế thực sự phục hồi, dù còn chậm.

Ông dẫn chứng, về vĩ mô, Việt Nam đã đẩy lùi bóng ma lạm phát và các chính sách tài khóa, kể cả bội chi, chính sách tiền tệ... đều rất ổn định, không gây ra tác động lên lạm phát, tức là dư địa điều hành vĩ mô rất lớn.
Cũng theo Tiến sĩ Lịch, trên địa bàn TP HCM, nếu năm 2014, doanh nghiệp hình thành 3 nhóm rõ nét là làm ăn tốt ngay trong thời kỳ kinh tế khó khăn; nhóm chống đỡ cực kỳ khó khăn để tồn tại cho đến hôm nay và nhóm ngừng hoạt động, thì đến năm 2015, tình hình đã cải thiện hơn. Cụ thể, nhóm thứ nhất tiếp tục lớn mạnh, nhóm thứ hai sẽ phát triển ổn định, tiến tới việc có một số doanh nghiệp gia nhập nhóm đầu tiên.

"Là người tham gia nhiều năm với Chính phủ trong chính sách tiền tệ, tôi chưa thấy lúc nào mà dư địa để thực hiện các chính sách lớn có thuận lợi như năm 2015. Tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm nay vượt qua mốc tăng trưởng 6,2%", ông Lịch chia sẻ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong năm 2014, sức hấp thu vốn của nền kinh tế có bước cải thiện, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng để hoạt động. Do đó, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm qua đạt chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu tín dụng 2015 sẽ tăng 13-15% để góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Liên quan đến lãi suất, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Việt Nam đang cố gắng đưa mặt bằng cho vay trung dài hạn xuống dưới 10%, nhưng mục tiêu này theo ông có thể không đạt, bởi trái phiếu Chính phủ phát hành ngày càng nhiều có thể dẫn tới lãi suất tăng trở lại. Ngoài ra, nếu không cẩn trọng để lạm phát vượt 5% thì việc hình thành mặt bằng lãi suất mới cao hơn là rất có thể. Khi đó, nó sẽ đi ngược lại với tiến trình phát triển kinh tế mới và tập trung phục hồi doanh nghiệp.

Đứng về khía cạnh doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen lo ngại, việc hội nhập sâu rộng là lợi thế nhưng cũng là nguy cơ lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp đầu đàn, đóng vai trò dẫn dắt, dẫn đến để cho các doanh nghiệp FDI ngày càng lấn át.

Theo ông Vũ, các tập đoàn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, nên doanh nghiệp Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng. "Chúng ta không phủ nhận vai trò của FDI, nhưng nếu không tỉnh táo và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội thì nền kinh tế sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam sẽ đi làm thuê hết", ông trăn trở.
Theo Vnexpress