Kinh tế trên hết
Tên lửa S-400 diễu binh trên Quảng trưởng đỏ ở Moscow hôm 9-5-2019.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, nhưng Mỹ kiên quyết phản đối và dọa sẽ không giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ với lý do S-400 gây nguy hiểm lớn cho NATO và sức mạnh của liên minh. Thế nhưng, Mỹ lại chẳng ngần ngại khi rao bán các hệ thống tên lửa tối tân nhất của mình cho Ấn Độ - Một nước đi mới mà ngoài lợi ích kinh tế ra thì chẳng còn lý do nào khác để lý giải cho quyết định mang tính đột phá này của Mỹ.
Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn các loại vũ khí để bảo vệ đất nước mình. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khác ở chỗ Ankara là thành viên Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và theo đó có nghĩa vụ tham gia các hoạt động chung cũng như được NATO bảo vệ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua máy bay chiến đấu F-35 tối tân của Mỹ và cũng muốn mua cả hệ thống phòng không S-400 hiện đại của Nga. Điều này tất nhiên tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại chọc tức Mỹ bởi họ đang mất đi một món hời lớn từ thương vụ bán các hệ thống phòng không của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo lập luận của phía Mỹ, S-400 sẽ không tương thích và có thể sẽ làm lộ các bí mật của dòng F-35. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng việc triển khai các hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đe dọa tới an ninh của các nước thành viên NATO cũng như sức mạnh của liên minh này. Lập luận trên ngay lập tức bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ bởi không ai khác chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nước làm chủ hệ thống S-400 khi mua về.
Lịch sử cho thấy, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm và thường thì Thổ Nhĩ Kỳ bị đồng minh Mỹ ép đẩy vào thế bí. Lần này thì Mỹ khó ép bởi dù Mỹ có bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nữa hay không thì S-400 sẽ vẫn được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, sớm nhất là vào tháng 7 này. Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ dọa không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm ép nước này hủy mua S-400 và không muốn Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Theo đó, nếu Ankara vẫn quyết mua S-400, Mỹ rốt cuộc vẫn bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu Mỹ cho rằng S-400 đe dọa tới F-35 thì chẳng lẽ các hệ thống phòng không tối tân của Mỹ lại không đe dọa tới các dòng máy bay hiện đại của Nga mà Ấn Độ đang sở hữu? Báo Hindustan Times của Ấn Độ hôm 12/5 đưa tin Mỹ đã đề xuất bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không đa năng Patriot Advance Capability (PAC-3) cho Ấn Độ, để thay thế hệ thống phòng không S-400 của Nga mà New Delhi công bố kế hoạch mua sắm sau nhiều năm đàm phán. Ấn Độ đã đồng ý chi 5,4 tỷ USD mua 5 khẩu đội S-400, mỗi khẩu đội gồm 8 bệ phóng, hồi tháng 10 năm ngoái với thời gian chuyển giao từ tháng 10-2020 đến 4-2023.
Đề xuất của Mỹ thật “thoáng”. Mới tháng 9-2018, Washington được cho đã cam kết miễn trừ trừng phạt Ấn Độ vì mua hệ thống S-400 của Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), đạo luật cho phép Mỹ trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Nga. Tuy nhiên, quy chế miễn trừ này đã hết hạn vào đầu tháng 5. Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cơ quan này đang làm việc về một "sự lựa chọn thay thế cho Ấn Độ".
Giá chào hàng của một hệ thống THAAD không được tiết lộ nhưng cũng rơi vào khoảng 3 tỷ USD. Nếu cạnh tranh thành công, Mỹ vừa bán được hàng và thu lợi kinh tế, vừa khiến Nga không bán được vũ khí của mình và mất đi quan hệ vốn đã gắn bó với nhiều nước. Một mũi tên trúng hai đích trong đó cái đích kinh tế là dễ thấy nhất.
Ngọc Hưng