Kinh tế thoát đáy, vượt dốc đi lên (01/07/2012)
Thoát đáy
Tốc độ tăng GDP quý I/2012 được coi là “đáy” xét trên 2 góc độ. Thứ nhất, đây là tốc độ tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của quý I cùng kỳ trong 2 năm trước (quý I/2010 tăng 6,84%, quý I/2011 tăng 5,57%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,14% của quý I/2009). Hai là, thấp nhất so với tốc độ tăng của 11 quý trước đó, tính từ quý II/2009.
Tăng trưởng kinh tế bị suy giảm vào quý I/2012 do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do hiệu ứng phụ của việc thực hiện mục tiêu ưu tiên mà Đảng, Nhà nước đề ra là kiềm chế lạm phát, trong đó nổi bật là việc thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ- mà việc nới lỏng trong các năm trước là yếu tố trực tiếp gây ra lạm phát cao.
Lạm phát được kiềm chế, biểu hiệu cụ thể là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI), đã giảm khá nhanh trong mấy tháng qua, ở mức âm trong tháng 6 và tính theo năm chỉ còn 6,9%, thấp chưa bằng một phần ba mức đỉnh điểm vào tháng 8/2011. Điều đó chứng tỏ mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát đã được thực hiện một bước quan trọng.
Khi lạm phát được kiềm chế, không tránh khỏi hiệu ứng phụ là sản xuất kinh doanh, thị trường gặp khó khăn. Hơn nữa, việc kiềm chế lạm phát lại phải gắn với quá trình khởi động việc cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu.
Có nguyên nhân do cùng với việc ưu tiên kiềm chế lạm phát là mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá... Có nguyên nhân do đầu tư và tiêu dùng co lại. Vốn đầu tư toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 10,1%, trong đó của khu vực nhà nước còn tăng thấp hơn (6,8%); riêng vốn từ ngân sách nhà nước còn tăng thấp hơn (4,3%) và mới đạt 42,5% kế hoạch cả năm.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng vốn đầu tư xã hội còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP bằng 34,5%, thấp hơn tỷ lệ 38,3%. Tiêu dùng thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tổng mức bán lẻ), nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 6 tháng này so với cùng kỳ năm trước (12,2%), thì tăng 6,5%, thấp xa so với tốc độ tăng 2 chữ số liên tục trong 10 năm từ 2001 đến 2010.
Tuy nhiên, tốc độ tăng TMBL vẫn còn cao hơn tốc độ tăng GDP làm cho tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP thuộc loại cao so với các nước Đông Nam Á, cùng với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP còn cao, không chỉ làm mất cân đối kinh tế vĩ mô, (đầu tư + tiêu dùng) lớn hơn GDP và đây là nguyên nhân cơ bản của nợ nần và lạm phát.
Vượt dốc đi lên
Tăng trưởng kinh tế quý II đang có dấu hiệu thoát đáy, vượt dốc đi lên. Dấu hiệu này được xét trên các góc độ khác nhau.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP của quý II với tốc độ cao hơn quý I (4,66% so với 4%). Thứ hai, trừ nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản có tốc độ tăng thấp hơn một chút (khoảng 2,78% so với 2,84%), còn hai nhóm ngành có tỷ trọng lớn nhất đã tăng cao hơn (nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng 4,52% so với 2,94% và nhóm ngành dịch vụ tăng 5,83% so với 5,31%).
Đáng lưu ý, nếu quý I, tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng đã xuống đáy sâu nhất so với quý I năm trước, thì quý II năm nay đã có dấu hiệu thoát đáy nhanh nhất so với quý I trong 3 nhóm ngành.
Ngành công nghiệp nếu quý I tăng 4,03% thì quý II đã tăng cao hơn, nên tính chung 6 tháng đã tăng 4,76%. Ngành lớn nhất trong công nghiệp là công nghiệp chế biến cũng có tình hình tương tự (tăng 3,85% so với tăng 3,04%).
Riêng ngành xây dựng, nếu quý I giảm sâu thì quý II đã tăng, nên tính chung 6 tháng chỉ còn giảm 0,8%.
Thứ ba, tổng mức bán lẻ nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đã có xu hướng tăng lên (tháng 1 tăng 4%, 2 tháng tăng 4,4%, 3 tháng tăng 5%, 4 tháng tăng 6,1%, 5 tháng tăng 6,4%, 6 tháng tăng 6,5%).
Thứ tư, tốc độ tăng tồn kho sản phẩm tuy còn cao, nhưng đã có xu hướng giảm xuống. Tốc độ tăng của tồn kho sản phẩm công nghiệp chế tạo so với cùng thời điểm năm trước, nếu đầu tháng 3 ở mức dưới 34,9%, tháng 4 là 32,1%, tháng 5 là 29,4%, thì tháng 6 còn 25%...
Tăng trưởng kinh tế bị suy giảm (còn gọi là suy giảm tăng trưởng hay còn gọi là giảm phát, tức là quy mô kinh tế vẫn tăng lên, tăng trưởng kinh tế vẫn mang dấu dương, chứ không phải là kinh tế suy giảm.
Thứ năm, lãi suất huy động đã giảm nhanh (từ 14% xuống còn 9%), kéo theo lãi suất cho vay, mặc dù hiện vẫn còn cao, nhưng đã giảm xuống, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tăng tín dụng đã bị âm trong thời gian dài hiếm thấy, nhưng gần đây đã bắt đầu tăng lên.
Thứ sáu, nhập siêu giảm về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu, đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoái hối, ổn định tỷ giá (6 tháng đã giảm 0,8%). Giá vàng giảm (6 tháng giảm 7,51%).
Lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô bước đầu được ổn định, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên. Đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng về mặt điều hành. Mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát đã được đề ra sớm, việc thực hiện đã kiên trì, nhất quán và quyết liệt. Khi lạm phát đã được kiềm chế, Chính phủ đã liên tục yêu cầu giảm lãi suất và đã ban hành Nghị quyết giảm lãi suất và đã ban hành Nghị quyết 13 về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, vừa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý, vừa phù hợp với nguồn lực, vừa phù hợp với việc khẩu trương đẩy mạnh cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vừa tránh được việc lặp lại lạm phát cao (hai năm tăng cao, một năm tăng thấp hơn) trong 8 năm qua.
Quyết liệt vượt dốc
Tuy đạt được các kết quả như trên, nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng vẫn còn thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước (2010 tăng 6,18%, 2011 tăng 5,63%) và vẫn còn thấp so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm (6- 6,5%). Để đạt được mục tiêu đề ra, theo tính toán sơ bộ, 6 tháng cuối năm phải đạt được tốc độ tăng 7,29- 8,21%. Điều đó đòi hỏi việc vượt dốc đi lên phải quyết liệt hơn.
Muốn vậy, phải khẩn trương quyết liệt thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 13, trong đó việc cơ cấu lại nợ là quan trọng; đặc biệt phải giải quyết 2 điểm nghẽn lớn hiện nay, đó là nợ xấu và sức mua thấp.
Một là, nợ xấu đang làm cho lãi suất cao, việc tiếp cận vốn khó khăn, tín dụng không tăng lên được. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, hoàn thành đề án về việc mua bán nợ xấu, xác định rõ các nguồn vốn, tổ chức và cách làm cho phù hợp với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại doanh nghiệp. Theo đó, không nên mua lại nợ xấu thuộc nhóm không thu hồi được, nợ do yếu kém chủ quan của ngân hàng hay doanh nghiệp.
Hai là, sức mua thấp làm cho tồn kho sản phẩm, hàng hoá còn cao. Việc điều chỉnh lương tối thiểu với tốc độ cao nhất so với các lần điều chỉnh trước đã góp phần tăng thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.
Đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn- một thị trường lớn nhất hiện nay- cần khẩn trương hỗ trợ mua gạo tạm trữ; hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá mặt đường, xây dựng các công trình để vừa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa giúp tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng, vừa tạo cho nông dân có thu nhập, tăng sức mua...
Theo VGP news
A Hoàng