Nghe ý kiến của đồng chí Chủ tịch Hội, tôi lại nhớ ở buổi tham quan, giao lưu giữa các đại biểu về dự Hội nghị với lãnh đạo Công ty và Hội CCB Công ty than Hà Tu (Quảng Ninh) có ý kiến nói: “Việc khó có CCB đi đầu” đã được đồng chí Hồ Luyện, Cụm trưởng Cụm thi đua, Chủ tịch Hội CCB TP Hải Phòng, nơi khởi nguồn Phong trào CCB giúp nhau xóa đói, giảm nghèo rất có hiệu quả cải chính lại ngay:

  • Nói như thế nghe hay! nhưng chưa hẳn đã thật “trúng” với hoạt động của CCB ở cơ sở.
    Đồng chí giải thích:
  • Hiện nay, những việc khó thường là những việc liên quan đến cơ chế, liên quan đến chính sách, quyền lợi cá nhân… Để giải quyết những “việc khó” đó không thể chỉ là vận động, thuyết phục mà còn phải có kinh phí, có thời gian. Lòng nhiệt tình, tinh thần gương mẫu, miệng nói tay làm của CCB thì có, nhưng tiền bạc thì không phải là “thế mạnh” của CCB, nếu như không muốn nói đây là một trong những khó khăn nhất để duy trì phong trào trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay.
    Như hiểu ý tôi ông Hồ Luyện giải thích thêm:
  • Tôi phải nói lại như thế để tránh hiểu nhầm một cách duy ý chí, cho rằng việc gì khó CCB cũng làm được. Đó là chưa nói tuổi cao, sức khỏe ngày càng giảm sút là quy luật của tự nhiên không ai cưỡng lại được.
  • Cả 9 tỉnh là 9 điển hình, 6 tháng qua đã làm được rất nhiều “việc khó” - Tôi gợi hỏi.
  • Đúng rồi. Họ làm được rất nhiều việc. Những việc CCB làm rất cụ thể. Việc gì cũng định lượng, định tính được. Có những việc tính ra công sức, tiền của rất lớn. Nhưng phân tích ngọn ngành từng việc, ở từng địa phương thì đều thấy bao trùm lên tất cả là ý thức, là tinh thần trách nhiệm của CCB mình. Họ là Bộ đội Cụ Hồ. Họ tham gia đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Nay rời quân ngũ về công tác sinh hoạt ở địa phương, họ thấy được trách nhiệm của mình tham gia bảo vệ thành quả cách mạng.
    Đưa cho tôi tập tài liệu về những điển hình có nhiều sáng tạo trong phong trào thi đua của Cụm, ông nói:
  • Ngày mai dự hội nghị nghe các tỉnh báo cáo kinh nghiệm, nhà báo sẽ thấy rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động phong trào của CCB ở cơ sở.
    Khâu khó, việc khó
    Đồng chí Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Ninh nêu kinh nghiệm, cách làm thành công một “việc khó” nhất trong 6 tháng qua. Đó là nhiệm vụ Giải phóng mặt bằng, di chuyển 43 ngôi mộ trước Tết Nguyên đán 2015 trong Khu dự án kinh tế Vân Đồn.
    Nhiệm vụ khẩn trương đó được UBND tỉnh ví như “Chiến dịch Quang Trung” và giao cho Hội CCB tỉnh chủ trì.
    Thường trực Tỉnh hội cử trực tiếp đồng chí Phó chủ tịch Hội và Hội CCB huyện Vân Đồn làm ngay công tác tuyên truyền vận động, với phương châm “Trong trước, ngoài sau; gần trước, xa sau”: Mỗi CCB gương mẫu, vận động người thân, họ hàng, làng xóm thực hiện trước, sau đó mới đến vận động người khác. Chỉ vài ngày sau nhận nhiệm vụ, CCB huyện Vân Đồn đã “biên chế” xong các CCB tới tất cả 30 hộ dân là người thân của 43 ngôi mộ phải di chuyển.
    Bước hai là tìm hiểu nắm tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thuận lợi, kiến nghị của từng hộ để có giải pháp tháo gỡ hợp tình, hợp lý với từng trường hợp cụ thể.
    Có hộ dân chưa hiểu hết, phàn nàn với CCB: “Chúng tôi có phải quân Thanh đâu mà gọi là Chiến dịch Quang Trung”. Biết được tâm tư của bà con, CCB phải giải thích lại để mọi người hiểu, cách ví von đó là muốn nói yêu cầu về thời gian phải nhanh, phải khẩn trương mới kịp bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước Tết Nguyên đán.
    Qua làm công tác tư tưởng CCB cũng nắm được, có những hộ tuy thông suốt và sẵn sàng di chuyển mộ, nhưng gia đình nghèo, lại neo người. Biết hoàn cảnh, Hội Doanh nhân CCB tỉnh phối hợp ủng hộ kinh phí; còn CCB huyện nhận giúp các việc, kể cả hướng dẫn, giúp gia đình cất bốc mộ theo phong tục tập quán…
    Thế là đúng một tháng trước Tết Nguyên Đán, “Chiến dịch Quang Trung” hoàn thành-43 ngôi mộ đã được di chuyển, trả lại mặt bằng cho nhà đầu tư kịp khảo sát, thiết kế xây dựng Cảng hàng không Vân Đồn.
    Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh biểu dương, tặng bằng khen cho Hội CCB tỉnh và huyện Vân Đồn. Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đến dự hội nghị phát biểu, nói:
  • Bằng tâm huyết và kinh nghiệm của mình CCB không chỉ tuyên truyền, giáo dục, tiếp lửa cho các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước mà còn trực tiếp tham gia tháo gỡ những khâu khó, việc khó của cơ sở, mà “Chiến dịch Quang Trung” là một trong những điển hình do CCB tỉnh làm nòng cốt.

“Xem giỏ bỏ thóc”
Ở Hòa Bình, chưa làm được “việc to, việc khó” như Quảng Ninh, nhưng những việc làm được cũng gợi mở nhiều kinh nghiệm thiết thực.
Đồng chí Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh thành thực nói:

  • Là tỉnh khó khăn nhất so với 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Chúng tôi chọn việc vừa với sức tham gia xây dựng kinh tế địa phương.
    Đồng chí cho biết, phát huy cách làm tốt từ những năm trước, ngay từ đầu năm, nhân Tết trồng cây, Tỉnh hội tiếp tục phát động Phong trào trồng cây ăn quả, lấy gia đình hộ CCB làm nòng cốt. Chỉ tiêu đặt ra mỗi hộ trồng một cây ăn quả. Đến nay Hội CCB đã trồng được hơn 137.535 cây ăn quả các loại/49.642 hội viên toàn tỉnh.
    Theo Phó chủ tịch Tỉnh hội Tạ Phương Đông thì cái được lớn nhất là góp phần thay đổi thói quen trồng theo phong trào “đếm cây tính thành tích” như trước đây. Những cây ăn quả do CCB trồng đều được cắt tỉa, chăm bón, bảo vệ chu đáo “trồng cây nào sống cây đó” và trồng những loại cây thiết thực với thổ nhưỡng, nhu cầu của từng gia đình.
    Từ phong trào trồng cây ăn quả Tỉnh hội tiếp tục phát động phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế thấp, sang trồng cây có kinh tế cao, xóa vườn tạp. Thực hiện phong trào, bước đầu đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho những hộ CCB có vườn ruộng để hoang, hoặc trồng những giống cây không có giá trị kinh tế. Điển hình như CCB Tạ Đình Đào, tiểu khu 5, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, hiện có vườn cây cam được cải tạo từ vườn tạp cho thu nhập tới 3 tỷ đồng một vụ…

Lợi đôi đường
Hội CCB tỉnh Nam Định mang về Hội nghị một việc làm có lẽ cũng là “có một không hai”.
Với các chỉ tiêu thi đua chung tay xây dựng quê hương, xây dựng cộng đồng, như Phong trào “Làm đường nông thôn mới” của Hội CCB thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu; giao lưu giữa CCB với sinh viên và ĐVTN trong tỉnh với chủ đề “Bài ca không quên”, Tỉnh hội đã xây dựng một trong những chỉ tiêu thi đua là chăm sóc, nâng cao sức khỏe hội viên.
Bằng uy tín và những đóng góp thiết thực của Tỉnh hội, lại được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của Bệnh viện đa khoa Việt - Mỹ đã nhận tri ân các CCB nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng việc làm thiết thực là khám sức khỏe miễn phí cho hội viên trong tỉnh. Mỗi hội viên được khám 17 danh mục, tính ra bằng gần 1 triệu đồng/hội viên. Đến hết tháng 6-2015 đã khám được hơn 4.000 hội viên và hiện đang tiếp tục khám.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết:

  • Phong trào đã khơi dậy tình đồng đội, đồng chí giữa các CCB với các CCB; giữa các Hội CCB với các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp và đặc biệt là với tập thể đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Việt - Mỹ.
    Trưởng ban Tuyên giáo Vũ Nam Định nói với tôi:
  • Anh không thể hình dung được niềm phấn khởi, tự hào của các CCB được các giáo sư, bác sĩ giỏi của bệnh viện khám sức khỏe cho họ. Rất nhiều CCB sau khi được khám sức khỏe đã viết thư gửi về giám đốc bệnh viện. Đúng là “lợi đôi đường”…

Tri ân đồng đội
Ông Nguyễn Văn Hoán - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Bình xúc động kể về một cách làm tri ân những đồng đội quê hương Thái Bình đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thật là ý nghĩa trong dịp Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn vào chiến trường xưa tri ân đồng đội - với tên gọi “Mang quê hương vào với các anh”. Đoàn gồm 167 CCB đã từng chiến đấu trong chiến trường miền Nam và 18 người là vợ, con, anh, em liệt sĩ, đại diện cho hơn 51.000 liệt sĩ của tỉnh do CCB Đỗ Trọng Khoa, Trưởng ban Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 làm trưởng đoàn, mang theo 4 hộp gồm đất, gạo, nước, muối được lấy đại diện ở các gia đình liệt sĩ, làm lễ thả xuống bên sông Thạch Hãn. Đoàn còn mang theo 1 cây sao đen cao 4m che bóng mát cho các liệt sĩ trồng trong sân Bảo tàng Thành cổ.
Ông Nguyễn Thanh Ngân - Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh nói với tôi:

  • Một hình thức tri ân rất có ý nghĩa, đã góp phần gắn kết bền chặt hơn giữa quê hương với quê hương; giữa người còn sống với người đã hi sinh; giữa gia đình có con hi sinh với đồng bào miền Nam; giữa lãnh đạo, chính quyền; CCB; nhân dân với các liệt sĩ…
    Nghe báo cáo, Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã biểu dương cách làm sáng tạo của tỉnh. Đồng chí cho rằng đây cũng là một hình thức chọn việc “trúng” để thực hiện chỉ tiêu thi đua, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân địa phương.
    Hội nghị rút kinh nghiệm từ Cụm thi đua 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng đã khép lại, nhưng những kinh nghiệm thiết thực của Cụm đã được phổ biến và rút kinh nghiệm và nhân rộng.