Kinh nghiệm huy động vốn thoát nghèo ở Phú Thọ
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Đạo(hàng trên, thứ nhất từ phải) cùng đại biểu về dự Hội thảo đến thăm quan Công ty CP Giày Vĩnh Yên do CCB Lê Thanh Thủy (hàng trên thứ hai từ phải) - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Công ty có gần 3.000 cán bộ, công nhân viên; trung bình mỗi năm sản xuất gần 2 triệu đôi giầy các loại xuất khẩu sang Châu Âu. Công ty còn là doanh nghiệp điển hình của tỉnh Vĩnh Phúc kết hợp tốt giữa sản xuất với bảo vệ môi trường “xanh, sạch, đẹp”, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn cho người lao động trong sản xuất.
Chuyên để DT&MN xin giới thiệu một trong những kinh nghiệm trong huy động vốn lập “Quỹ xóa đói giảm nghèo” ở Hội CCB tỉnh Phú Thọ.
Một con số gây bất ngờ lớn, là kết quả huy động vốn của Hội CCB tỉnh Phú Thọ, do Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh - Đỗ Hữu Lễ đưa ra: 3 quỹ Nghĩa tình CCB; Đồng đội và Khắc phục thiên tai, của Hội CCB tỉnh Phú Thọ phát động hiện đạt được tới 54 tỷ đồng. Quỹ đã giúp cho hàng ngàn CCB nghèo vay lãi suất thấp làm kinh tế thoát nghèo.
Như để khẳng định đó là con số đã được thẩm định, đồng chí Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam nói: “Hội CCB tỉnh Phú Thọ được đánh giá là tỉnh dẫn đầu Hội CCB cả nước trong huy động vốn và sử dụng vốn giúp CCB thoát nghèo hiệu quả”.
Cách xây dựng quỹ của tỉnh là: Thống nhất trong nhận thức, việc giúp hội viên nghèo thoát nghéo chính là bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm và cũng là một trong những nhiệm vụ thiết yếu nhất của Hội CCB. Được Tỉnh ủy lãnh đạo, sự đồng tình, nhất trí rất cao trong hội viên toàn tỉnh, tỉnh Hội thống nhất mỗi hội viên đóng một lần 500.000 đồng xây dựng quỹ “Nghĩa tình CCB”. Quỹ được quản lý tuyệt đối chặt chẽ, công khai, minh bạch và được sử dụng duy nhất một nhiệm vụ: Xóa nghèo cho hội viên CCB. Hội viên được vay vốn trong quỹ đều được bình xét dân chủ, công khai từ Chi hội CCB thôn, bản trở lên đến cấp tỉnh quyết định.
Do quỹ “Ngĩa tình CCB” hoạt động hiệu quả, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân… đề xuất ủng hộ. Để “Quỹ Nghĩa tình CCB” hoạt động đúng mục đích, mà vẫn huy động được cộng đồng tự nguyện giúp đỡ, tỉnh Hội xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và thành lập thêm 2 quỹ mới là “Quỹ Đồng đội” và “Quỹ Khắc phục thiên tai”.
Kinh nghiệm rút ra từ Hội CCB tỉnh Phú Thọ là phải quản lý, sử dụng quỹ xóa đói, giảm nghèo cho hội viên rất minh bạch, dân chủ, đúng người, đúng đối tượng và đăt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ đóng góp của không chỉ hội viên mà của toàn xã hội.
Không chỉ giỏi huy động vốn, tỉnh Hội cũng có cách làm xóa nghèo rất hiệu quả, là giao chỉ tiêu cho các chi Hội còn hộ CCB nghèo mỗi năm giúp một hội viên thoát nghèo; mỗi huyện, thành, thị trấn tổ chức được ít nhất một tổ, hoặc một CLB gia trại, trang trại theo ngành nghề hoặc liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm để tạo điều kiện giúp được các hộ nghèo, hoặc hộ có nguy cơ tái nghèo vào tham gia làm, theo khả năng của từng hộ... Kết quả tỷ lệ hộ hội viên nghèo toàn tỉnh giảm 1,5%/năm/110.299 hội viên toàn tỉnh (huyện Tân Sơn và Yên Lập giảm 3%); hộ CCB cận nghèo giảm bình quân từ 4 đến 5%/năm; hộ khá trở lên tăng 5% năm.
Nhật Huy