Trong công tác huấn luyện SSCĐ, Đoàn 356 chủ động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tổ chức luyện tập thành thục các phương án bảo vệ muc tiêu, sẵn sàng xử trí tốt các tình huống, không để bị động bất ngờ. Trước khi bước vào huấn luyện, đơn vị chuẩn bị tốt giáo án, mô hình học cụ, bãi tập, tổ chức tập huấn cán bộ. Nhờ vậy, quân số tham gia huấn luyện đạt 100%, kết quả huấn luyện các nội dung 100% đạt yêu cầu, trong đó 82% khá, giỏi. Nền nếp, chế độ ngày, tuần, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật được đơn vị chú trọng. Cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kỷ luật quân đội, không có trường hợp vi phạm phải xử lý. Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Quân khu về “Đẩy mạnh tăng gia lao động sản xuất”, đơn vị triển khai 2 mô hình tăng gia chăn nuôi tập trung, đào ao thả cá. Hiện Đoàn có vườn rau rộng gần 1.900m2, 2.300m2 giàn, 115 con gia súc, 345 con gia cầm. Từ năm 2014, đơn vị lắp đặt hệ thống bếp lò hơi đưa vào sử dụng tại bếp ăn đơn vị.
Xác định thực hiện hiệu quả công tác dân vận không chỉ góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc; đơn vị tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động bà con xóa bỏ phương thức sản xuất lạc hậu, đưa giống cây, con mới vào sản xuất. Bà con vùng biên từ lâu đã trồng lúa theo tập quán riêng nên việc thuyết phục trồng lúa nước là vô cùng khó. Lãnh đạo Đoàn 356 phải tìm mọi cách mới thuyết phục được bà con trồng thử nghiệm, với cam kết “nếu mất mùa, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm chu cấp cái ăn cho cả bản”. Bản Hoàng Thèn thuộc xã Vàng Ma Chải được chọn để trồng vụ đầu tiên. Khi lúa bén rễ, hồi xanh thì gặp nạn ốc bươu vàng, toàn bộ 9,9ha lúa mất trắng. Vụ đầu thất bại, lãnh đạo Đoàn không nản, tiếp tục vận động bà con trồng mới. Đất không phụ người, Hoàng Thèn đã thắng lớn, thu hoạch lúa với sản lượng cao chưa từng có. Ông Lý A Gì-Trưởng bản mừng rỡ: “Bao nhiêu đời nay cả bản mới có nhiều thóc như vậy. Bây giờ nhờ bộ đội chỉ cho cái lối làm ăn thì không sợ đói nữa”.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng lúa nước, các chiến sĩ Đoàn 356 còn nghiên cứu tìm địa hình thích hợp để nuôi cá hồi, cá tầm, nuôi dê… Ông Giàng A Dùy (xã Mù Sang) cho biết: “Nhờ có cán bộ của Đoàn 356 hướng dẫn cách thức nuôi dê nên đàn dê của tôi ngày một phát triển. Bây giờ gia đình tôi không còn khó khăn như trước nữa! Hiện trong làng cũng có nhiều nhà được bộ đội cho vay vốn chăn nuôi trâu, bò…, qua đó đã hết đói nghèo. Từ khi cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 356 đến giúp dân, nhiều hộ gia đình ở địa phương đã thoát khỏi cái đói, cái nghèo và bắt đầu có của ăn, của để”.
Đơn vị còn định kỳ tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, vệ sinh bản, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân. Trung úy quân y Nguyễn Đình Hân cho hay: “Bà con theo tập quán địa phương, ốm đau đều cúng ma rừng. Chúng tôi đã phải lặn lội vào từng nhà tuyên truyền, thậm chí phải “rình” nhà nào có người ốm để thuyết phục họ khám bệnh”.
Đời sống người dân ngày càng no ấm, đủ đầy thực sự là ước mơ, sự đổi thay kỳ diệu, ghi đậm dấu ấn của Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương Tổ quốc. Để có được những kết quả nêu trên là nhờ sự kiên trì bám dân, bám bản của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 356 nhiều năm qua. Cùng với đó là sự tận tụy của họ trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và làm theo cách làm ăn mới. Quan trọng hơn cả là cán bộ, chiến sĩ trong đoàn luôn gần gũi, coi người dân như chính người thân trong gia đình. Đây chính là bài học kinh nghiệm và phương châm hành động được cán bộ, chiến sĩ đơn vị đúc rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để làm tốt chức năng đội quân công tác, đội quân chiến đấu.
Duy Quang