Kiến tạo phát triển hay điều chỉnh?

Nội hàm của khái niệm Chính phủ kiến tạo phát triển lần đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ trong phiên trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội ngày 18-11-2017.
Khi được chất vấn về nội hàm của khái niệm Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đã khẳng định: “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”...
Điều thú vị là nội hàm mà Thủ tướng nêu ra lại gần với mô hình của một Chính phủ điều chỉnh (mô hình Anh, Mỹ) hơn là mô hình của một Chính phủ kiến tạo phát triển (mô hình các nước Đông Bắc Á).
Vậy thật sự chúng ta đang lựa chọn mô hình nào giữa Chính phủ điều chỉnh và Chính phủ kiến tạo phát triển? Ngày xuân năm mới, xin thử lạm bàn về hai khái niệm khó này.
Trên mâm cỗ ngày Tết là 3 mô hình chính phủ, tương ứng là 3 mô hình nhà nước: Nhà nước điều chỉnh, nhà nước kế hoạch hóa tập trung và nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Nhà nước điều chỉnh tác động lên kinh tế và các ngành công nghiệp bằng cách điều chỉnh chính sách, pháp luật rồi để cho thị trường tự phân bổ các nguồn lực. Nhà nước kế hoạch hóa tập trung xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp rồi đứng ra tự phân bổ các nguồn lực và tự thực hiện kế hoạch mà không công nhận vai trò của thị trường. Nhà nước kiến tạo phát triển xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp và tác động mạnh mẽ lên thị trường để thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch của mình. Các nước Anh, Mỹ lựa chọn mô hình nhà nước điều chỉnh. Các nước XHCN (trước đây) lựa chọn mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Thực ra, thuật ngữ “nhà nước kiến tạo phát triển” được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó.
Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển. Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình nhà nước này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình XHCN truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Để đạt được mức tăng trưởng GDP gấp đôi, một nhà nước điều chỉnh (như Hoa Kỳ) sẽ phải mất đến 50 năm, trong lúc đó một nhà nước kiến tạo phát triển (như Trung Quốc) chỉ mất 10 năm.
Ở Việt Nam, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.
Như vậy tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Sau 30 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế, cũng như thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã tăng đến hàng chục lần. Rất nhiều nước cộng hòa Xô viết (thuộc Liên Xô trước đây) từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung đã không có được một sự phát triển ngoạn mục như vậy. Mà một trong những nguyên nhân cơ bản ở đây có lẽ là các nước này đã không lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á?
Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa là chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ tinh hoa và chuyên nghiệp triển khai thực hiện chương trình công nghiệp hóa. Có lẽ đây là những khiếm khuyết mà chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để khắc phục. Đồng thời phải kiên trì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Kinh nghiệm của Trung Quốc một lần nữa khẳng định đây là mô hình phù hợp nhất để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc về kinh tế.
Trở lại với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, quả thực, mô hình điều chỉnh đã đưa lại sự phát triển và thịnh vượng cho hai quốc gia Anh, Mỹ là điều không thể chối cãi.
Trong điều kiện các doanh nghiệp của nước ta làm ăn khó khăn như hiện nay, có lẽ đây cũng là cách làm rất cần thiết. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất ở đây là các điều kiện kinh doanh thuận lợi có thể được tạo ra, nhưng tận dụng chúng lại là các doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải là doanh nghiệp Việt. Thành công của mô hình nhà nước điều chỉnh vì vậy còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp và của từng người dân trong nước. Sự lựa chọn đúng đắn hơn cho đất nước ta vì vậy có vẻ vẫn là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (theo mô hình các quốc gia Đông Bắc Á) chứ không hẳn là mô hình nhà nước điều chỉnh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng