Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn
Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, vi phạm về nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Do vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý với lỗi vi phạm nồng độ cồn là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
9 tháng, xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa thông tin kết quả thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hoá bằng xe container và kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn; giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2023.
Năm 2023, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông , tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông. Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông có nhiều vụ liên quan đến xe kinh doanh vận tải.
Ngày 24-7-2023, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 382 về tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Gần 2 tháng thực hiện, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 47.000 trường hợp vi phạm, tai nạn giao thông so với thời gian trước liền kề liên quan đến xe khách giảm cả 3 tiêu chí (giảm 38,7% số vụ, giảm 43,9% số người chết, giảm 33,1% số người bị thương). Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm - nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, tình hình trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực.
Xử lý xuyên suốt, không có vùng cấm, ngoại lệ
Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có 160 trường hợp là cán bộ, công chức; có người giữ vị trí lãnh đạo, như Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó giám đốc Trung tâm Quỹ đất T.P Bắc Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Phó chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự của một huyện tại T.P Hồ Chí Minh; cán bộ Chi cục thuế khu vực Bến Cát, huyện Bàu Bàng (Bình Dương)….
Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có cả người giữ vị trí lãnh đạo, đang công tác trong Ngành Công an như Phó trưởng Công an T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Trưởng Công an phường quận Cầu Giấy (Hà Nội)… Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức khi được lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, đã có thái độ chống đối, gọi điện nhờ vả người quen, gây khó khăn cho người thực thi công vụ.
Thượng tá Tô Quang Minh - Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Cục Cảnh sát giao thông đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an thành lập 6 tổ công tác để chủ trì phối hợp với công an các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên chính dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó việc kiểm soát nồng độ cồn là hành vi được chú trọng hàng đầu, các tổ công tác lựa chọn tuyến đường trọng điểm, thời gian phù hợp để tuần tra, kiểm soát, việc kiểm soát được bảo đảm an toàn và nhanh chóng, không gây phiền hà cho người tham gia giao thông, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với các hành vi vi phạm.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, các trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức, nếu vi phạm nồng độ cồn, ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được triển khai trên toàn quốc cho thấy, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được lực lượng Cảnh sát giao thông quán triệt và thực hiện nghiêm túc, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài áp dụng các mức phạt theo quy định, lực lượng chức năng còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác đối với cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, của cơ quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh như vậy, rất đáng lo ngại khi độ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa. Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ lại coi việc sử dụng rượu bia như cách để thể hiện cái tôi của mình, thậm chí coi việc uống rượu, bia là khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Khảo sát của Ngành Y tế cho thấy, có 43,8% học sinh từ lớp 8-12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% uống đến mức say ít nhất 1 lần. Việc sử dụng rượu bia từ sớm gây ra những hệ lụy rất lớn đối với giới trẻ.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Từ nay đến cuối năm 2023, Cục sẽ thường xuyên cử Tổ công tác phối hợp Công an các địa phương tổ chức chuyên đề xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, hình thành thói quen "đã uống rượu, bia, không lái xe". Để lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền, sử dụng xe thông tin lưu động cảnh báo đến các khu dân cư, khu vực tập trung nhiều người, để người dân biết và thực hiện.
Võ Hóa