Kiến nghị tăng thuế của EVN thêm khoảng 126 tỷ đồng (20/12/2011)

Trong đó, thuế giá trị gia tăng khoảng 3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp gần 60 tỷ đồng; thuế tài nguyên khoảng 25 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài khoảng 34 tỷ đồng....

Đồng thời, EVN cũng cần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán ở đơn vị như tiến hành rà soát lại định mức lao động cho sát với tình hình thực tế sử dụng lao động tại EVN và xây dựng quy chế phân phối tiền lương hợp lý giữa các đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ Tập đoàn.

EVN phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về thực trạng sản xuất kinh doanh và tài chính của Tập đoàn để có biện pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính, nhằm từng bước thực hiện chủ trương xóa bao cấp qua giá điện đối với sản xuất; đồng thời, để các doanh nghiệp tính đúng tính đủ chi phí sản xuất nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ.

EVN cũng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, xác định các nguyên nhân cụ thể gây chậm tiến độ dự án và có biện pháp khắc phục kịp thời để sớm đưa công trình vào vận hành, tăng hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2010 lỗ khoảng 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận/Tổng tài sản là âm (-) 2,78%. Năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ hơn 10.500 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đễn sản xuất kinh doanh điện lỗ là do năm 2010 các nhà máy thủy điện thiếu nước nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán bình quân, làm chi phí tăng rất lớn so với kế hoạch chi phí xây dựng trong phương án giá điện được duyệt.

Một số nhà máy xây dựng vận hành chậm tiến độ gây hiện tượng thiếu điện phải dùng nhiệt điện dầu có giá thành cao. Ngoài ra, năm 2010 còn có nhiều biến động về giá như giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái./.

A Hoàng