Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kiểm toán Độc lập và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Kiểm toán Độc lập. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán Độc lập nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng cam kết thương mại quốc tế, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.

Về tên gọi của Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lấy tên gọi "Luật Kiểm toán Độc lập" giống như dự thảo vì tên gọi này có tính kế thừa các quy định pháp luật hiện hành và là thuật ngữ đã sử dụng quen thuộc tại Việt Nam.

Giấy phép con trong hành nghề?

Trong phần thảo luận, các đại biểu tập trung vào các nội dung: thẩm quyền hành chính và tố tụng hành chính đối với kiểm toán viên trước khi ra hành nghề, kiểm toán viên ra hành nghề phải bắt buộc hoặc không bắt buộc là kiểm toán, những nội dung bắt buộc và không bắt buộc.

Theo Dự thảo, kiểm toán viên hành nghề phải có: chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp hoặc có chứng chỉ nước ngoài được Bộ Tài chính thừa nhận và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam (điểm b, Khoản 1, Điều 15 trong dự thảo Luật cũ). Thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên ở doanh nghiệp kiểm toán, tổ chức khác tại Việt Nam (điểm đ, khoản 1 Điều 15 trong dự thảo Luật cũ). Các kiểm toán viên nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải biết tiếng Việt và hiểu biết về luật pháp Việt Nam. Đặc biệt, kiểm toán

viên hành nghề phải hiểu báo cáo tài chính bằng tiếng Việt và chịu trách nhiệm đối với chữ ký của mình trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính.

Nhiều đại biểu băn khoăn với qui định về “thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên”. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng điều này không hợp lý và không khả thi, đặc biệt là đối với các kiểm toán viên là người nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, về quy định hành nghề thì kiểm toán viên phải tham gia tổ chức Hội. Qui định này cũng còn nhiều “cấn cá” vì thực tế hiện nay Hội hoạt động chưa đủ mạnh để thu hút hội viên. “Nếu quy định như vậy sẽ mang tính bắt buộc không cần thiết, vô hình chung đây là giấy phép con trong hành nghề kiểm toán”. Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương đề nghị không quy định bắt buộc kiểm toán viên hành nghề phải là Hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đều cho rằng, kiểm toán là nghề nghiệp rất đặc biệt với nhiều điều kiện khắt khe, đòi hỏi cao về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là phẩm chất đạo đức khi hành nghề.

Trong điều kiện hiện nay, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên là phù hợp.

Các đại biểu khác cũng tán thành với ý kiến vừa nêu và cho rằng khi năng lực của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được kiện toàn và nâng lên thì sẽ xem xét giao thêm một số chức năng, nhiệm vụ mà không nhất thiết phải để cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm như hiện nay, như xây dựng và công bố các chuẩn mực kiểm toán độc lập, tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên...

Trách nhiệm của cơ quan được kiểm toán

Về Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, có ý kiến cho rằng, việc quy định đại diện chủ sở hữu đơn vị được kiểm toán quy định những nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán (khoản 3 Điều 53 cũ) là không hợp lý và đề nghị nêu rõ Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định những nội dung trọng yếu không được ngoại trừ khi báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính.

Cũng có ý kiến đề nghị chỉ giao cho cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quy định nội dung trọng yếu không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng.

Thực tế, chất lượng báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính ở không ít doanh nghiệp thời gian qua còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị kiểm toán vì nhiều lý do đã không đi sâu xem xét, đánh giá một hay một số nội dung trọng yếu của báo cáo tài chính. Do vậy, báo cáo tài chính không phản ánh được một cách đầy đủ và xác thực. Thông thường, trong những trường hợp như vậy, các đơn vị kiểm toán đưa ra những yếu tố ngoại trừ để không chịu trách nhiệm về tính chính xác của báo cáo kiểm toán và qua đó không chịu trách nhiệm về pháp lý. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải quy định rõ những nội dung trọng yếu không được ngoại trừ khi lập báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính.

Các đại biểu đề nghị phải đề cao trách nhiệm của kiểm toán viên độc lập, có trách nhiệm dài hạn và liên đới trong nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ quy hoàn toàn trách nhiệm của kiểm toán viên đối với giá trị của báo cáo kiểm toán là chưa hợp lý, cần quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp, cơ quan được kiểm toán trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ cho công tác kiểm toán một cách trung thực thì mới đánh giá được “đầu ra” của báo cáo kiểm toán.

Trong phiên làm việc tại tổ sáng 25-3, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao./.

Thanh Lâm