Kí ức về “mắt thần” Cồn Cỏ

Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh nặng Lê Hữu Trạc (thứ hai từ phải) cùng các đồng đội năm xưa thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ trên đảo Cồn Cỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp).

(Báo tháng 8) -Viết tâm thư bằng máu và cạo trọc đầu xung phong ra giữ đảo Cồn Cỏ, cuộc đời binh nghiệp của thương binh nặng Lê Hữu Trạc, sinh năm 1941, ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình luôn gắn liền với những tuyến đầu giáp ranh với quân thù.

54 năm đã trôi qua, mới đây, được về Thủ đô dự buổi gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, Anh hùng LLVTND, thương binh nặng Lê Hữu Trạc có dịp chia sẻ kí ức của những ngày cùng đồng đội giữ “mắt thần” Cồn Cỏ.

Hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình như chùng xuống khi nghe câu chuyện của ông.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ (nay là huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được xem là “mắt thần trên biển”. Tháng 4-1962, khi vừa bước qua tuổi 20, ông nhập ngũ vào Đại đội 1 (Đại đội Lê Hồng Phong), Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Tháng 7-1965, trước tình hình quân thù tạo cớ, leo thang bắn phá miền Bắc, đảo Cồn Cỏ trở thành nơi tiền tiêu chống giặc. Ông cùng các đồng chí trong đơn vị đã viết tâm thư bằng máu và cạo trọc đầu để thể hiện rõ quyết tâm xung phong ra giữ đảo. Lý do cạo trọc đầu, ông Trạc nói, là để hạn chế phải gội đầu, bớt việc tiếp tế cho hậu phương, vì ở đảo rất hiếm nước ngọt.

Thay vì ở đảo 2 tháng như dự kiến, đơn vị của ông Trạc đã chiến đấu ở đảo đến 3 năm và không một ngày nào máy bay và tàu địch ngoài biển không dội bom, bắn pháo vào đảo. Có thể nói, mỗi m2 trên đảo đều chịu ít nhất một trái bom hoặc đạn pháo quân thù.

Đó là chưa nói, có thời điểm địch đưa tàu bao vây đảo suốt 6 tháng liền. Các tàu tiếp tế của ta không thể ra đảo. Kể cả những lúc khó khăn như thế, anh em trên đảo vẫn luôn quyết tâm giữ vững lời thề “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”...

Điều đặc biệt là cũng 3 năm, từ 1965 - 1968, bộ đội trên đảo đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Đảo đã vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND. Năm 1966, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ vui mừng được nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ.

Năm 1968, ông Trạc được điều động trở lại đất liền và được cấp trên giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Cuối tháng 7-1968, trong lúc đi nghiên cứu địa hình chống địch đổ bộ đường không, Lê Hữu Trạc bị thương; bom đạn kẻ thù đã cướp đi đôi mắt của ông.

Thời gian điều trị vết thương, không được cầm súng chiến đấu cùng đồng đội là khoảng thời gian buồn nhất của cuộc đời ông. Nhưng cũng chính khoảng thời gian này, số phận đã trao ông cho người con gái nết na, hiền lành Kim Thị Mão, thuộc Chi hội phụ nữ xã Hát Môn, nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Từ ấy bà vừa là vợ vừa là đôi mắt của ông.

Khi sức khỏe tạm ổn định, ông cùng vợ về quê ông ở Quảng Bình sinh sống. Và năm 1973, niềm vui vỡ òa khi vợ chồng ông sinh con trai đầu Lê Hữu Tiệp. Thương vợ tần tảo làm ruộng nuôi chồng, nuôi con, hằng ngày ông Trạc cố gắng làm những việc có thể đỡ đần vợ. Không còn mắt thì ông “nhìn bằng tay”. Vượt lên đói nghèo, vợ chồng ông lần lượt có thêm con gái Lê Thị Ngọc Tú, con trai Lê Hữu Chính.

Năm 2000, thương binh nặng Lê Hữu Trạc đã làm tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề nghị thành lập Hội Người mù của tỉnh. Ông trực tiếp tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp tạo điều kiện giúp đỡ cho cán bộ, hội viên hội người mù được học chữ nổi, học văn hoá, học nghề, vay vốn với lãi suất thấp để có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Những việc làm thiết thực của ông đã giúp người mù tỉnh Quảng Bình xoá đi mặc cảm tật nguyền, phấn đấu vươn lên giữa cuộc sống đời thường. Nhờ đó, hàng trăm thương binh, hoặc con em thương, bệnh binh, cũng như nhiều cháu bị mù lòa đã có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân mình.

Với những đóng góp và thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 26-4-2018, ông Lê Hữu Trạc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND. Và ông cũng là 1 trong 72 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc được biểu dương tại Hà Nội ngày 25-7-2019.

Minh Thành