KÌ III: Cuộc tra tấn dã man và tài đối đáp, ý chí của người chiến sĩ cộng sản (19/08/2010)

(Tiếp theo và hết)

Đánh đập dã man. Tra tấn, dụ dỗ. Khủng bố tinh thần... Rồi đồng đội tưởng ông hy sinh đã làm lễ truy điệu và tặng danh hiệu Đảng viên cho ông. Báo tử về quê. Người mẹ già mòn mỏi chờ con về vừa chịu tang chồng vừa nhận giấy báo tử của con. Bà chết đi sống lại, chết đến mấy lần...ông Học rưng rưng kể lại.

...Hôm đó vào tảng sáng, ông thiếp đi trong bụi gai cây xấu hổ và bị hai con chó béc-giê hung dữ ngoạm vào chân, lôi ông ra. Theo phản xạ, ông giơ tay lần tìm chốt quả lựu đạn nhưng bàn tay tê buốt không còn cử động được theo suy nghĩ. Ông căm hờn nhìn hai con chó béc-giê và bọn lính ngụy da trắng da đen lồng lộn bên ngoài. Tiếng thằng cố vấn Mỹ BC cất lên lơ lớ: Cẩn thận bọn Việt cộng có lựu đạn gài đấy. Phải bắt sống bọn này. Thằng nào bắt sống được một thằng được thưởng 4.000 đôla. Mặc dù chân tay tê buốt nhưng đầu còn tỉnh táo, Cao Sinh Học bình tĩnh nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ông nghe thấy những tiếng xì xồ, chỉ chỏ không dứt của bọn Mỹ-ngụy. Rồi một tên da đen đầu trọc lốc móc trong người ra một sợi dây sắt, bình tĩnh, cẩn thận khom người tiến về phía ông và hai con chó béc-giê đang giằng xé chân ông. Hắn nghĩ đến món tiền thưởng lớn nên bất chấp tính mạng, tiến sát đến Cao Sinh Học, từ từ tròng dây vào cổ chân tơ tớp máu me của Cao Sinh Học và lăn vội ra ngoài, tay nắm chắc một đầu dây.

Ngay khi bắt được Cao Sinh Học, bọn lính Mỹ lập tức thẩm vấn và tra tấn dã man, tàn bạo. Nghĩ là trước sau cũng chết, Cao Sinh Học ậm ừ qua chuyện nhận mình là lính du kích đi theo phục vụ nên lạc không ra được và một mực không khai là kíp phó trưởng xe tăng.

Trong cuộc thẩm vấn tra tấn, bọn Mỹ-ngụy rất khôn khéo, lúc cương, lúc nhu để moi thông tin từ Cao Sinh Học. Mấy thằng thông dịch thì cứ luôn miệng leo lẻo: "Đầu hàng đi thì nhận được khoan hồng của Chính phủ Hoa Kỳ, không hàng thì bọn tao bắn bỏ...". Cao Sinh Học đáp lại: "Tao là quân giải phóng chỉ biết đánh không biết hàng, có bắn thì cứ bắn!". Thấy nói vậy, bọn Mỹ-ngụy dùng kìm kẹp vào mũi ông kéo ngược lên hỏi: Mấy thằng đồng đội mày chạy đường nào? Cao Sinh Học lại đáp: Tôi là lính tôi không biết, tôi không biết... Chúng tiếp tục dùng kìm kẹp vào những đầu ngón tay ông làm ngón tay bầm tím, dập nát. Sau hàng tháng trời thẩm vấn ở trong nhà lao, bọn Mỹ-ngụy không khai thác thông tin gì từ phía ông, chúng chuyển ông qua trại giam Bạch Đằng, tiếp đó là trại giam Tân Hiệp, Biên Hòa và đến ngày 16-11-1967 chúng đưa ông đi giam tại trại giam Phú Quốc. Hơn 7 năm bị giam tù tại các trại giam của địch, Cao Sinh Học vẫn giữ vững phẩm chất người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Lúc này ông không hề biết mình đã là đảng viên, vì sau trận đánh, đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên tổ chức truy điệu đồng thời truy tặng Huân chương Chiến công và kết nạp Đảng cho ông như đã có dự kiến từ trước. Đến giờ ông vẫn giữ được giấy kết nạp đảng viên đề ngày 17-1-1966, tức là một ngày sau trận đánh kinh hoàng tại Trường tăng Thủ Đức. Không những vậy, câu nói nổi tiếng của ông: "Quân giải phóng chỉ biết đánh mà không biết lui..." không hiểu sao, sau này ông biết lại được ghi vào cuốn Lịch sử Binh chủng Tăng thiết giáp Việt Nam; vì ông cho rằng lúc bị thẩm vấn, tra tấn ở nhà lao làm gì có quân ta mà biết được câu nói đó?

Không thể tưởng tưởng tượng được mình lại nằm ở nhà lao tới 7 năm trời. Cứ nghĩ đến được chiến đấu, cùng lắm là hy sinh chứ không nghĩ cuộc đời có lúc lại phải nằm trong nhà lao ở tít mãi ngoài khơi đảo Phú Quốc. Cao Sinh Học càng không nghĩ tổ chức lại báo tử về địa phương ông. Khi ấy, ông cụ thân sinh ra ông đang hấp hối, tổ chức đành lại phải giấu. Mấy năm sau bố ông mất, chính quyền quyết định báo tử ông với lý do, nỗi đau thì đau một thể. Thế là bà cụ thân sinh ra ông lại ngất lên ngất xuống. Nhưng trong cái rủi có cái may, hạnh phúc luôn mỉm cười với những gia đình như vậy. Người mẹ đang héo hắt vì mất chồng, mất con thì Cao Sinh Học đột ngột trở về. Ông được trả về sau Hiệp định Pari ký kết và trao trả tù binh. Niềm vui tột cùng đến với bà mẹ của ông, suýt làm bà ra đi vì sự sung sướng khi thấy con mình trở về trong nỗi bàng hoàng của cả thôn Khuổi Dủm. Cả thôn kéo đến mừng gia đình ông, rồi họ sờ nắn vào người ông trong nỗi mừng vui khôn xiết.

Ngoài trời đã xế chiều, thấy vợ con ông bận rộn với mấy con trâu, con bò và chuẩn bị bữa cơm tối, thấy vậy, chúng tôi muốn "kết thúc" câu chuyện của ông nhưng Cao Sinh Học vẫn cứ muốn kể nốt câu chuyện khi ông ở trong tù của hơn 40 năm về trước khi gặp được PV Báo CCB. Ông nhớ mãi hình ảnh bị Tổng nha cảnh sát ngụy quyền tra khảo. Lúc đó, Phạm Ngọc Liễu, Tổng trưởng Tổng nha Cảnh sát trực tiếp thẩm vấn ông. Phạm Ngọc Liễu còng tay ông ra đằng sau và treo ngược ông lên trần nhà, thẩm vấn. Mày “zô” đây làm gì? Cao Sinh Học đáp lại: “Đánh các ông chứ còn đánh ai. Đánh Mỹ, đánh ngụy chứ còn ai nữa mà đánh”. “Đù má mày...đánh Mỹ này...đánh ngụy này, tao cho mày chết rục xương”, Phạm Ngọc Liễu hằn học nói như vậy. Thằng cố vấn Mỹ thì hỏi: Bọn mày zô đây lấy cái gì? Đánh zô đây lấy xe tăng đánh lại các ông chứ còn đánh ai”. “Ai huấn luyện bọn mày?”. “ Quân giải phóng chứ còn ai nữa...Quân giải phóng của nhân dân Việt Nam đào tạo tôi, cái gì tôi cũng biết...”.

Ông bị bại lộ danh tính là lính xe tăng cũng là do ngày đó có tên Trần Văn Khoa, là dân tập kết ở miền Nam quê ở Ba Tri, Bến Tre học cùng xe tăng với ông ở Trung Quốc đã đầu hàng địch. Ông và đồng đội cũng không ngờ tưởng thằng này hy sinh nhưng ngày đó lại thấy nó xuất hiện trong hàng ngũ bọn địch, lái xe cho thằng cai ngục ở nơi ông bị giam giữ. Cao Sinh Học kể lại: Lúc đó ông thấy vậy nên phải khai là Cao Thanh Sơn, quê ở Vĩnh Phúc, nhưng rốt cuộc danh tính của ông vẫn bị bại lộ vì tên Khoa.

Trong những cuộc thẩm vấn Cao Sinh Học, bọn Mỹ-ngụy cũng phải khuất phục trước sự dũng cảm, gan dạ của ông. Bọn Mỹ-ngụy từng nói: "Thằng này nó tin cộng sản rồi, đầu nó đỏ lắm, theo Cụ Hồ mất rồi. Chúng tao giam mày chết rục ở đây”. Mặc dù vậy, Cao Sinh Học vẫn không hề khiếp sợ mà còn đưa ra những lời nói đanh thép, đáng khâm phục.

Cuộc đời của Cao Sinh Học cũng có nhiều điều kì diệu và trùng lặp. Con số 7 luôn gắn với ông: Mười bảy tuổi xung phong đi bộ đội; bảy năm rèn luyện chiến đấu ở hai miền Nam - Bắc; ông vào chiến trường miền Nam ngày 18-7-1964; tiếp đó là 7 năm bị giam cầm ở các nhà tù Mỹ-ngụy; năm 1977, ông lập gia đình lấy cô vợ kém ông 17 tuổi; 7 năm tiếp theo cô vợ sinh cho ông hai trai, hai gái; bản thân ông hiện là thương binh 3/4, cứ đến ngày 27-7 hàng năm, ông lại tưởng nhớ đến cuộc đời mình và đi nói chuyện với đồng đội, với bà con thôn bản, các em nhỏ, các bạn trẻ, với sự xúc động chân thực của người trong cuộc - của người lính tăng thiết giáp. Cuộc đời ông cũng có thăng trầm nhất định. 15 năm phục vụ trong quân đội. Không được cầm súng, ông trở về hậu phương làm một công dân mẫu mực. Cả cuộc đời đến giờ đã ở tuổi "xế chiều", ông vẫn luôn thể hiện bản lĩnh và phẩm chất của mình, kiên định đi qua mọi sóng gió để tìm thấy một hạnh phúc đẹp...

Hữu Doanh (ghi)