Khuyến cáo phòng, chống bệnh dại
Hiện nay, thời tiết nắng nóng đang là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh dại trên chó mèo, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gia tăng bệnh dại ở người.
Thông tin từ các tỉnh Cà Mau, Đắk Lắk, Phú Thọ cho thấy, những năm gần đây, tình hình bệnh dại diễn biến hết sức phức tạp. Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk trong 2 năm trở lại đây, mỗi năm đều ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại. Từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do dại, các trường hợp này đều bị chó cắn và không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phát hiện 15 ổ dại trên đàn chó và có hơn 5.800 trường hợp bị động vật cắn phải điều trị dự phòng dại. Những tháng đầu năm 2023, Cà Mau ghi nhận 7 ổ dịch dại trên đàn chó.
Theo đại diện CDC tỉnh Đắk Lắk: Trước nguy cơ bệnh dại bùng phát, để làm tốt công tác phòng chống bệnh dại, công việc quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường tiêm phòng cho đàn chó; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về quản lý đàn chó. Đồng thời cần có nguồn ngân sách để tiêm vắc-xin phòng dại miễn phí cho một số đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa…
Trước thực tế, có không ít trường hợp, sau khi bị chó, mèo cào, cắn, không thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại mà lại chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc đông y dẫn đến phát bệnh và tử vong, CDC tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Trung tâm y tế tuyến huyện tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại và hướng dẫn người dân chủ động đến cơ sở y tế khi bị chó, mèo cào, cắn để được tư vấn, xử lý vết thương đúng cách, tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Ngành Y tế khuyến cáo khi người dân bị chó mèo cắn, cào không “lấy nọc”, không điều trị theo các biện pháp dân gian. Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục, không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Sau đó. cần đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt. Khi xử lý vết thương do động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, khâu kín vết thương; không dùng thuốc nam, đắp lá vào vết thương; không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương; không chữa bệnh dại bằng đông y hay thuốc nam.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đối với vật nuôi, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo mà phải xích, nhốt, nếu chó ra đường phải được rọ mõm. Đối với con người, không nên đùa nghịch, trêu chọc chó mèo; người bị chó mèo cắn phải đi tiêm ngừa sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ; trường hợp người có nguy cơ cao với virus dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, trung tâm y tế khám, tư vấn và tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại.
Thành An