Khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp tác động mạnh vào châu Âu (16/05/2012)

Khả năng về một cuộc tổng tuyển cử mới và việc Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đến gần. Trước đó, các nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh của hai đảng về nhất và nhì trong cuộc tổng tuyển cử là Đảng Dân chủ mới (ND) và Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza) cũng đều không mang lại kết quả. Đó là điều đáng lo ngại trong khi các chủ nợ quốc tế cảnh báo nước này buộc phải thực hiện các cam kết về cắt giảm chi tiêu, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ ra khỏi Eurozone. Công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế Phít Rát-ting cũng đã lên tiếng cảnh báo nếu Hy Lạp bị đình chỉ tư cách thành viên Eurozone do khủng hoảng chính trị hay không thực hiện các cam kết trước các chủ nợ thì Hy Lạp sẽ mất tín nhiệm với EU và gây xao động lớn trong 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Các thủ lĩnh chính trị chống thắt lưng buộc bụng đang tranh luận rằng Hy Lạp không còn nghĩa vụ phải ủng hộ các điều kiện cắt giảm ngân sách theo các thỏa thuận cứu nguy tài chính với quốc tế. Liên tiếp ba vòng đàm phán để thành lập chính phủ phá vỡ thế bế tắc chính trị tại quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính này đều thất bại. Trước tình hình này, các nhà phân tích tài chính cho rằng cuộc bầu cử không có kết quả dứt khoát và khó khăn trong việc thành lập một chính phủ liên hiệp mới càng làm tăng lên nguy cơ Hy Lạp có thể ra khỏi Eurozone và trở lại sử dụng đồng tiền riêng của họ, tức là đồng drachma.

Ảnh hưởng của việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone được hình thành và tồn tại 13 năm qua có thể lan ra ngoài ranh giới của quốc gia vùng Địa Trung Hải này, dẫn đến tình trạng bất ổn kinh tế trên toàn thế giới. Một nhà phân tích tài chính châu Âu, ông An-déc Li-pô-ko cho rằng các thị trường chứng khoán sẽ suy sụp khi Hy Lạp vỡ nợ và các thỏa thuận cứu nguy trở nên vô nghĩa.

Hiện Tổng thống Pa-pô-li-a cần phải triệu tập hội đồng lãnh đạo các đảng phái quốc hội và nếu biện pháp này không mang lại kết quả thì ông sẽ giải tán quốc hội được bầu ngày 6-5 vừa qua. Đến ngày 17-5, các đảng phái vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để thành lập nội các, Hy Lạp sẽ phải bước vào cuộc bầu cử Quốc hội mới.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử mới cũng khó có khả năng giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, nếu cuộc bầu cử mới được tổ chức, Syriza sẽ vượt lên dẫn đầu với gần 24% số phiếu ủng hộ, tiếp theo là Dân chủ mới với 17,4% số phiếu và Đảng Xã hội (Pasok) có thể chỉ đạt được tỷ lệ dưới 11%. Như vậy, vẫn không có đảng phái nào giành được trên 50% số phiếu bầu để tự thành lập nội các. Liên minh cầm quyền cũng phải tập hợp ít nhất 3 đảng mới có thể hội đủ số phiếu cần thiết. Quyền đứng ra đàm phán thành lập nội các sẽ lại lần lượt trao cho 3 đảng có số phiếu cao nhất. Vòng luẩn quẩn lặp lại và không biết đến bao giờ Hy Lạp mới có nội các mới khi vòng vây của cuộc khủng hoảng nợ đang khép chặt từng ngày.

Chia rẽ sâu sắc trong xã hội đang đẩy đất nước bên bờ Địa Trung Hải đến trước "ngã ba đường". Ở lại Eurozone là phải tiếp tục "tấn bi kịch" thắt lưng buộc bụng. Nếu sử dụng trở lại đồng tiền quốc gia drachma, Hy Lạp sẽ không nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ Eurozone cũng như IMF. Để cân đối cán cân thương mại, A-then phải phá giá 55% đơn vị tiền tệ. Hậu quả có thể nhìn thấy là lạm phát phi mã, thất nghiệp tiếp tục tăng cao và nền kinh tế càng lún sâu vào suy thoái. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pát-ca La-my, hậu quả của việc rời bỏ đồng euro có thể khiến Hy Lạp đau đớn hơn trong toàn bộ các kế hoạch khắc khổ được thi hành từ trước đến nay ở nước này, trong khi tình hình nợ công sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ hoàn toàn và thiệt hại với các ngân hàng chủ nợ được dự đoán sẽ lên tới 300 tỷ euro.

Những gì đang diễn ra ở Hy Lạp tuần qua phát đi một tín hiệu cực kỳ đáng lo ngại với châu Âu già cỗi. Trước đây nhiều nước phát triển trong EU đã ngần ngại khi EU kết nạp thêm nhiều thành viên mới là các nước kém phát triển hơn như Hy Lạp, các nước Đông Âu, các nước cộng hòa tách ra từ Liên Xô cũ. Việc Hy Lạp rơi vào khủng hoảng chính trị và việc nước này không có thể tìm ra phương pháp giải cho bài toán tài chính là nợ công, cùng với các khoản vay nợ châu Âu khiến Hy Lạp trở thành tâm điểm bất ổn ở EU gây hệ lụy cho cả liên minh châu Âu.

Thanh Trà