Khủng bố ở Đông Nam Á: Không còn là “bóng ma”
Đêm 24-5, hai kẻ đánh bom liều chết có liên hệ với IS đã giết chết 5 người và làm bị thương 10 người tại Thủ đô Jakarta, Indonesia. Đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất kể từ sau vụ đánh bom liều chết xảy ra hồi tháng 1-2016 tại thủ đô Jakarta, khiến 7 người thiệt mạng.
Trong khi đó, quân đội Philippines đang sử dụng trực thăng chiến đấu để tấn công các phiến quân Maute và Abu Sayyaf (có liên hệ với IS) đang cố thủ tại TP. Marawi trên đảo Mindanao. Đây là nơi cố thủ của Isnilon Hapilon - thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf “kiêm” đứng đầu IS ở Đông Nam Á và đang nằm trong danh sách truy nã của Mỹ với cái đầu được treo thưởng 5 triệu USD. Cuộc tấn công diễn ra sau khi Tổng thống Philippines-Rodrigo Duterte ngày 23-5 phải áp đặt thiết quân luật tại TP. Marawi và đang xem xét mở rộng ra cả nước để đối phó cuộc khủng hoảng ở Marawi. Các tay súng phiến quân trước đó đã tràn vào thành phố này, đốt phá nhà cửa, chặt đầu cảnh sát trưởng địa phương, bắt cóc con tin và treo cờ của IS.
Mindanao không chỉ là địa bàn hoạt động chính của 2 nhóm Maute và Abbu Sayyaf. Các nhà phân tích nhận định đây còn là địa điểm lý tưởng để IS chọn làm bàn đạp để thành lập Vương quốc Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Indonesia và Malaysia cũng có “tiềm năng” trở thành các trung tâm ngoài nước của IS trong bối cảnh lực lượng này đang bị thu hẹp địa bàn hoạt động ở Trung Đông. Về tổng thể, lực lượng khủng bố tại Philippines, Indonesia và Malaysia có thể sẽ phát triển và hình thành thế “chân vạc” tại khu vực Đông Nam Á.
Theo các nhà phân tích, việc áp dụng thiết quân luật chưa chắc đã giúp giải quyết triệt để vấn đề. Nhiều người cho rằng, quyền tự chủ giới hạn về chính trị ở Mindanao sẽ giúp tách người Hồi giáo Philippines khỏi bị các tổ chức cực đoan lôi kéo, tuyển dụng và làm giảm sự hấp dẫn tuyên truyền của IS. Tuy nhiên, những diễn biến bạo lực mới nhất ở Marawi cho thấy tiến trình hòa bình ở đây sẽ còn rất nhiều gian truân.
Nguyên Phong