Khúc tráng ca Đường 9 - Nam Lào
Ngày 30-1-1971, Mỹ, ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” hòng chặt đứt đường Hồ Chí Minh ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Với công thức: bộ binh ngụy Sài Gòn, ngụy Lào và Thái Lan cộng với chỉ huy, hỏa lực và hậu cần Mỹ; chúng đã huy động hơn 40 ngàn quân chủ lực Sài Gòn, 6 ngàn quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất, với khối lượng lớn binh khí kỹ thuật: 590 xe tăng, xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B-52), đánh ra khu vực Đường 9-Nam Lào. Phối hợp với lực lượng này còn có 4 tiểu đoàn quân ngụy Lào từ Đồng Hến đánh ra Mường Pha Lan, Tây Đường 9.
Để chuẩn bị cho mùa khô 1970-1971, Bộ Quốc phòng tăng cường cho Bộ đội Trường Sơn 24 ngàn quân, trong đó có 3.335 lái xe, 382 thợ sửa chữa; bổ sung 3.657 ô tô các loại, gần 100 máy ủi. Lực lượng phòng không tham gia chiến dịch lên tới 5 trung đoàn (có Trung đoàn 275 tên lửa và 1 trung đoàn pháo cao xạ của bộ phối thuộc); 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy phòng không, với hơn 300 nòng pháo, 350 khẩu súng máy, bố trí thành 8 cụm chiến đấu. Riêng địa bàn Nam, Bắc Đường 9 (dự kiến là trung tâm chiến dịch) bố trí 4 cụm. Trung đoàn phòng không 591 thiện chiến nhất xây dựng trận địa tại khu vực Bản Đông-Cha Ky. Khắp nơi dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công. Cán bộ, chiến sĩ không những ý thức được tầm quan trọng của chiến dịch mà còn xem đây là cơ hội để Bộ đội Trường Sơn tác chiến tiêu diệt địch, khẳng định mình không chỉ là lực lượng bảo đảm, phục vụ mà còn trực tiếp chiến đấu tại chỗ.
Đêm 6-2, anh Lê Xy, Phó chính ủy và tôi, Phó chủ nhiệm chính trị được giao nhiệm vụ xuống Trung đoàn phòng không 591 cùng Ban chỉ huy chỉ đạo, tổ chức, động viên bộ đội chiến đấu. Sáng 8-2, vừa tới đơn vị, chúng tôi gặp ngay trận tập kích đường không như dông bão, đỉnh cao chiến thuật “Trực thăng vận” của Mỹ. Từ 8 giờ sáng, địch dùng hỏa lực yểm trợ là máy bay cường kích và máy bay trinh sát, rồi cho từng đàn máy bay trực thăng bay rợp trời ào ạt đổ quân xuống các cao điểm ở Nam. Bắc Đường 9 và Bản Đông. Từ các trận địa đón lõng cấu trúc sẵn, pháo của Trung đoàn 591 và đơn vị bạn đã tung lên trời lưới lửa dày đặc, bắn rơi hang loạt máy địch khi chúng chưa kịp đổ quân. Nhiều trực thăng trúng đạn, bốc cháy hoặc nổ tan xác, mảnh vỡ lả tả rơi xuống. Dưới đất, các đơn vị bộ binh và xe tăng, thiết giáp của ta nhanh chóng tiếp cận tiêu diệt quân địch khi chúng vừa chạm đất. Được sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Lẫm, Trung đoàn trưởng và Nguyễn Văn Năm, Chính ủy, trong hai ngày 8 và 9-2, Trung đoàn 591 đã bắn rơi 50 máy bay lên thẳng của địch. Nhưng địch cũng phát hiện ra phòng không của ta nên tập trung máy bay đã đánh phá vô cùng ác liệt vào các trận địa của trung đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Lẫm đã anh dũng hi sinh khi đang chỉ huy bộ đội chiến đấu và một số pháo thủ đã ngã xuống trên mâm pháo. Chiến sự ngày càng diễn ra quyết liệt, Bộ tư lệnh quyết định khẩn trương khôi phục đường 23 từ Mường Phìn đi Thác Hài, vào Sa Ra Van (thuộc Binh trạm 39), đồng thời chỉ thị cho Binh trạm 32 nghiên cứu mở điểm vượt sông mới ở hạ lưu ngầm Tha Mé. Mở một tuyến ngắn hơn và kín đáo để vận chuyển hàng vào Binh trạm 34 ở KG4. Tôi được kiêm chức Chính ủy Binh trạm 32, sau hơn một tuần triển khai ực lượng công binh mở đường và làm ngầm vừa gần, vừa kín. Theo trục đường này, chúng tôi đã bảo đảm được nhịp độ, lưu lượng hàng chuyển cho Binh trạm 34. Khi Bộ tư lệnh chiến dịch yêu cầu bổ sung 2.000 quả đạn pháo lớn, 1.000 tấn vũ khí, lương thực ngoài dự kiến; các Binh trạm 9 và 27 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những năm sau, khi địch sử dụng nhiều máy bay AC130 trang bị khí tài để săn xe ban đêm thì đây vẫn là con đường kín để vận chuyển cơ giới ban ngày cho miền Nam.
Ngày 23-3-1971, chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào toàn thắng. Cuộc hành quân "Lam Sơn-719", cố gắng cuối cùng và cao nhất của địch hòng ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã thất bại hoàn toàn. Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tự khẳng định mình không chỉ là lực lượng phục vụ chiến đấu, vận chuyển chi viện chiến trường, mà còn là lực lượng chiến đấu tại chỗ rất hiệu quả. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào xuân hè 1971 là khúc tráng ca chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác Hồ kính yêu.
Bài và ảnh:
Tô Kiều Thẩm