“Khu thường vụ”…
Nhà báo Hữu Thọ đã có lần viết bài đề cập đến “phố đông quan”, theo nghĩa là một khu đất vàng được dành bán ưu đãi cho quan chức cấp cao, cho nên người dân gọi đó là “phố đông quan” - tức là nhiều quan. Ở nhiều địa phương còn xuất hiện cụm từ “khu thường vụ”, tức nói đến những khu đất mà người “đấu thầu” trúng giá chỉ toàn cán bộ tầm cỡ ủy viên thường vụ tỉnh ủy.
Báo chí đã từng “chỉ mặt, đặt tên” những “khu thường vụ” như thế. Cụ thể như ở Lào Cai, báo Tiền Phong chỉ ra một khu biệt thự sang trọng của các “quan đầu tỉnh” hay như “biệt phủ” nổi tiếng của em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khi đăng lên báo khiến đồng bào cả nước choáng váng về độ nguy nga, tráng lệ của nó, lại được người chủ giải thích với câu nói nổi tiếng: “Nhờ buôn chổi đót và chắt chiu mà có được”. Ở tỉnh nghèo Sóc Trăng, tuy không nổi tiếng về “khu thường vụ” nhưng cũng làm “dậy sóng” dư luận khi Văn phỏng Tỉnh ủy tỉnh này trích gần 1 tỷ đồng chỉ để lắp camera bảo vệ ở nhà riêng các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy...
Những “nhãn tiền” đó làm oải lòng tin của dân vào Đảng!, tới mức có những câu đại loại như: làm “quan đầu tỉnh” thì giàu có là đương nhiên; cỡ giám đốc sở trở lên chẳng có ai nghèo cả; việc “các quan” ở tập trung một chỗ cũng đâu có sao, trên thế giới, nước nào chẳng có “khu nhà giàu”...
Đúng là các nước phát triển đều có khu nhà giàu thật, nhưng phần lớn các khu nhà giàu là giới tài phiệt, đại gia ở chứ quan chức nước họ ít khi “tụ họp” thành những khu riêng biệt, mức độ giàu có rất khác biệt với chung quanh như ở ta. Hơn nữa, ở ta, cán bộ là công bộc của dân, đồng lương và thu nhập có hạn; việc hình thành các biệt phủ, siêu biệt thự, “phố đông quan”, “khu thường vụ” khiến cho người dân mất hết niềm tin về tính liêm chính của đội ngũ cán bộ.
Hơn nữa, việc chấp nhận sự tồn tại của các “khu thường vụ”, “phố đông quan”, “biệt phủ”... như những “việc đã rồi” khiến cho quá trình hình thành những “nhóm lợi ích”, tầng lớp “đặc quyền, đặc lợi” trong đội ngũ cán bộ của Đảng. Đó là những điều rất nguy hiểm cho việc xây dựng Chính phủ, chính quyền liêm chính, xây dựng chế độ XHCN.
Chúng ta đều biết, quá trình sụp đổ của Liên Xô gắn liền với quá trình hình thành, lớn mạnh của tầng lớp “đặc quyền, đặc lợi”. Người ta nói rằng, những cuộc điều tra xã hội học ở Liên Xô cuối những năm 80 của thế kỷ XX cho thấy, gần 21 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô không coi “nhóm tinh hoa” - tức là đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng (khoảng 600.000 người) là đồng chí.
Nghiêm trọng tới mức, những đảng viên chân chính trở nên thờ ơ với Đảng, nhiều người xem đội ngũ cán bộ cấp cao hưởng “đặc quyền, đặc lợi” là giặc của Đảng. Quả đúng như vậy, khi Liên Xô sụp đổ, chính “tầng lớp tinh hoa” của Đảng Cộng sản Liên Xô đã trở thành quan chức trong các chính phủ mới; đa phần họ tham gia thành lập các đảng phái chính trị, cạnh tranh quyền lực với Đảng Cộng sản.
Một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam là “gắn bó mật thiết với nhân dân”. Bài học kinh nghiệm số một mà Đảng ta rút ra sau 30 năm đổi mới chính là “dân là gốc”, nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải “lấy dân làm gốc”. Cán bộ, đảng viên xa dân là có tội với Đảng. Những vấn đề vừa là nguyên tắc, vừa là kinh nghiệm xương máu đó, nhắc lại không bao giờ là thừa với những cán bộ cấp cao sống ở trong các “khu thường vụ”, “phố đông quan”.
Họ không nhìn thấy rằng, có thể đời họ chưa nhìn thấy hậu họa của việc sống xa dân, “ăn trên ngồi trốc”, nhưng những biệt phủ, “khu thường vụ”, “phố đông quan” như vậy sẽ mài mòn niềm tin của nhân dân. “Nước chảy đá mòn”, khi niềm tin của người dân từng bước bị phá rã, xung đột xã hội sẽ ngày càng trở thành ung nhọt, đe dọa trực tiếp đến con đường phát triển của đất nước và sự bình yên trong cuộc sống của nhân dân.
Trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, các thế hệ đảng viên của Đảng ta đều giơ tay thề trước Đảng kỳ sẽ chiến đấu hết mình để bảo đảm cho quyền bình đẳng đó.
Tiếc rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên khi đã “leo” lên đến hàng “quan đầu tỉnh” lại dễ dàng chà đạp lên lời thề thiêng liêng đó.
Nguyễn Hồng