Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ: Ý Đảng hòa quyện với lòng dân
Công trình Thủy điện Bản Vẽ thuộc diện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320 MW, có tổng mức đầu tư trên 6.700 tỷ đồng, được khởi công năm 2004 và phát điện vào năm 2010. Để phục vụ cho công trình này, hàng ngàn hộ dân thuộc các dân tộc Khơ Mú, Thái, Ơ Đu thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An đã vâng lời Đảng, Bác Hồ, rời nơi chôn rau, cắt rốn của mình về nơi ở mới, nhường lại đât cho lòng hồ thủy điện.
Vì dòng điện cho quê hương
Thủy diện Bản Vẽ là công trình được xây dựng trên nhánh sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn huyện miền núi Tương Dương (tỉnh Nghệ An) với tổng vốn đầu tư trên 6.740 tỷ đồng, bao gồm các thông số kỹ thuật chính, như diện tích lưu vực 8.700km2, mực nước dâng bình thường 200m, diện tích ngập trong lòng hồ 4.842ha, ảnh hưởng đến 9 xã và 34 bản của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Nhiệm vụ chính của thủy điện Bản Vẽ là tạo nguồn điện cung cấp cho lưới điện quốc gia 1.084 tỷ KWh/năm, tạo nguồn nước bổ sung cho khu vực hạ du vào mùa cạn kiệt, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn.
Để xây dựng lòng hồ thủy điện, cần phải di dời 2.986 hộ dân với hơn 14.000 người thuộc các dân tộc Khơ Mú, Ơ Đu, Thái về nơi ở mới, đây là một thử thách lớn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam đồng thời cũng là thử thách cho những người làm thủy điện trên miền Tây Nghệ An. Việc bồi thường thực hiện công tác di dân, tái định cư giải phóng toàn bộ lòng hồ Bản Vẽ là vấn đề rất khó khăn và phức tạp. BQL dự án 2 đã phối hợp và ký hợp đồng ủy quyền cho hai huyện Tương Dương và Thanh Chương thành lập Hội đồng bồi thường GPMB - di dời tái định cư. Sau 10 năm thực hiện, việc bồi thường, di dân và tái định cư (TĐC) dự án thủy điện Bản Vẽ đã cơ bản hoàn thành theo đúng quy định; ngoài ra đã tiến hành hỗ trợ một số chế độ ngoài chính sách kịp thời, phù hợp. Phần lớn các hộ dân đã ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Các công trình công cộng, đường giao thông, hệ thống điện nước, trường học được đảm bảo. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty thủy điện Bản Vẽ thì "Đây là một cuộc TĐC mang tính lịch sử đối với đồng bào các vùng dân tộc, họ được thay đổi cơ bản về cuộc sống. Ngoài sự nỗ lực hết mình của BQL dự án, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền vận động thì phải khẳng định rằng người dân đã chấp hành rất tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, tất cả đều đạt đến một mục đích là vì dòng điện cho quê hương, cho cuộc sống hôm nay và ngày mai".
Khởi sắc ở vùng TĐC
Giữa một ngày mùa thu tháng tám, từ TP Vinh, chúng tôi đi về huyện Thanh Chương, nơi có khu TĐC với diện tích rộng trên 5.000ha, tập trung ở hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, cách Thủy điện Bản Vẽ khoảng 200km. Từ khi những dân bản đầu tiên rời khỏi lòng hồ thủy điện về nhận đất ở khu TĐC cho đến nay đã gần tròn 10 năm, cuộc sống mới đã hoàn toàn thay đổi, không còn nét hoang sơ, trống vắng ngày nào; trước mắt chúng tôi là những khu vườn cây xanh tốt, những con đường nhựa trải dài, những đồi chè xanh mát tầm mắt. Nhiều gia đình đã xây nhà mới khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ; nhiều hộ có xe ô tô con, xe tải, máy cày, máy ủi... Đặc biệt, một thế hệ trẻ em được sinh ra và lớn lên trên khu TĐC; các cháu được nuôi dưỡng trong một môi trường hoàn toàn mới, có đủ điều kiện phát triển. Cháu Vi Văn Son, ở thôn Tân Lập năm nay 25 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, tâm sự: Cháu chỉ mong có một cuộc sống ổn định cùng gia đình ở khu TĐC và thiết kế các ngôi nhà hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.
Ông Dặm Hoàng Vy, 58 tuổi, là Trưởng thôn Tân Lập, xã Thanh Sơn kể lại: Chúng tôi về đây từ năm 2006, khi đó còn hoang vu và buồn lắm, đất đồi bị san ủi, chưa có cây cối gì cả. Nhờ Đảng và Chính phủ mà trực tiếp là Ban dự án thủy điện, cùng chính quyền động viên, hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời nên các hộ dân lo làm nhà cửa, xây dựng cuộc sống mới. Tôi làm trưởng thôn nhiều năm, ngoài việc chăm lo gia đình còn phải gương mẫu vận động bà con làm nhà ở, trồng cây cối, phát triển sản xuất, cho con em đến trường học.
Ông Vi Tuyền Quynh, 74 tuổi, từ bản Pưng Kim Đa, huyện Tương Dương chuyển về đây tháng 6-2006, vui vẻ trò chuyện: Đúng là ban đầu thì khó khăn đấy, thay đổi tập quán sinh hoạt, thay đổi về cuộc sống, không phải cho một người mà nhiều người, khó lắm chứ. Nhưng mà cán bộ hứa rồi, lên nơi ở mới sẽ tốt hơn. Thật đúng như vậy, đến nay nhà mình có gần 2ha đất vườn, đất ở, có hơn 1ha đất trồng chè, có trang trại chăn nuôi lợn, có nhà cửa khang trang, mua sắm được ô tô, xe máy... tổng thu nhập của gia đình mỗi năm trên 700 triệu đồng... Ngoài ra mình còn làm nghề bốc thuốc cứu người, bà con đến lấy thuốc đông lắm.
Nghe nhiều người trong thôn kể lại, gia đình ông Quynh là một gia đình mẫu mực, nhờ chăm lo phát triển kinh tế nên có thu nhập khá, hằng năm ông bà trích ra một khoản tiền để cho các hộ dân còn gặp khó khăn vay không tính lãi, nhà 3-5 triệu đồng, nhà nào khó khăn hơn thì 10 triệu đồng. Nghĩa cử đó không những giúp cho bà con cùng phát triển kinh tế mà yên tâm ở lại khu TĐC.
Chị Lò Thị Cúc, 45 tuổi, ở bản Muỗng, xã Ngọc Lâm nhớ lại: Ngày xưa ở lòng hồ thủy điện, quen với cái gùi, con dao làm rẫy, vì vậy khi lên đây ai cũng nhớ bản, nhớ nơi ở của mình, muốn quay về. Nhưng rồi được nhận đất đai, nhận tiền hỗ trợ, được giúp đỡ về nhiều mặt nên gia đình chăm lo xây dựng cuộc sống mới, mua sắm được ô tô, xe máy, các cháu được đến trường.
Ông Lương Thanh Hoài, 54 tuổi ở bản Muỗng thì khoe với chúng tôi: Nhà mình chủ yếu trồng chè, thu hoạch mỗi vụ được 5-7 tạ, thu nhập tạm ổn nhưng vẫn còn những bà con khác chưa có việc làm. Chị Lò Thị Cổn, 37 tuổi nói chuyện vui vẻ: Ngày xưa ở trong rừng, trong rú, không có học, giờ ra đây được phổ cập văn hóa, biết đọc, biết viết, hiểu được chính sách pháp luật, biết đi xe máy xuống chợ... không ai còn muốn quay về.
Ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất
Thực tế cho thấy, người dân TĐC chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, trước đây chủ yếu sinh sống trên khu vực lòng hồ bằng hình thức phát nương, làm rẫy, săn bắn, hái lượm, hình thức canh tác lạc hậu, đơn giản, năng suất thấp; nay chuyển về khu TĐC mới nên mặc dù đã giao đất sản xuất cho mỗi hộ là 1,8ha/hộ, đảm bảo theo quy định nhưng người dân vẫn chưa tập trung canh tác để đạt hiệu quả. Ngoài một số mô hình làm rất tốt thì vẫn còn nhiều hộ chưa phát huy được tiềm năng của nơi ở mới. Để ổn định cuộc sống cho bà con, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện các cam kết, BQL dự án còn hỗ trợ thêm ngoài quy định cho đồng bào TĐC như: Hỗ trợ thêm 24 tháng lương thực, triển khai thi công thêm hai tuyến đường liên vùng và hai cầu, trị giá trên 50 tỷ đồng, hỗ trợ cho các hộ dân nhà bị hư hỏng hơn 11 tỷ đồng, hỗ trợ đào giếng cho các hộ dân hơn 9 tỷ đồng, duy tu sữa chữa hệ thống đường giao thông 3,4 tỷ đồng, sửa chữa trường học trên 1,5 tỷ đồng... Đồng thời, cùng với chính quyền hai xã đi sâu đi sát để nắm bắt tình hình, cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân, đặc biệt là mở các lớp tập huấn kịp thời về chăn nuôi, trồng trọt và trồng lúa nước, hướng dẫn bà con trồng các loại cây phù hợp với đất đai thổ nhưỡng như chè, keo, tràm và phát triển chăn nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Lê Xuân Đại, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: "Đây là công trình thủy điện lớn của quốc gia, vì vậy BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và đã chỉ đạo việc rà soát những tồn tại ở khu TĐC, nhằm nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân”.
Rời khu TĐC Thanh Chương, chúng tôi thật bồi hồi xúc động khi được tận mắt ngắm nhìn cuộc sống của người dân nơi đây, một cuộc sống mới đích thực đem đến cho họ no ấm, hạnh phúc, một khu TĐC đang bừng sáng lên trong ngày mới với niềm tin tưởng vào chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Chính phủ.
Bài và ảnh:
Anh Thi - Đức Đạo