Khu du lịch trên đèo Hải Vân (19/08/2010)

Về lại quê hương, anh phải bươn chải nhiều việc: chẻ đá núi, lên rừng bứt cây mây về bán, đi biển đánh bắt hải sản, chụp ảnh thuê... nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn. Giữa lúc đó Chính phủ thực hiện dự án mở hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, đơn vị thi công cần một người địa phương thông thạo địa hình và biết tiếng Trung Quốc, Như Tiến được chọn vào vị trí phiên dịch và dẫn đường. Quá trình dẫn đoàn cán bộ khảo sát thực địa phía nam đèo Hải Vân, Như Tiến phát hiện ra một con suối có thác nước từ trên cao đổ xuống với triền núi hai bên nhiều loại cây mọc um tùm, chứng tỏ độ màu của đất rất tốt. Từ đây, tác động đến suy nghĩ trong anh về làm trang trại trồng rừng. Hơn 5 năm qua, bằng chính công sức của mình, anh đã tạo dựng nên một trang trại gần 40 ha trồng các loại cây keo lá tràm, cây bạch đàn, cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi, trong đó có khu du lịch sinh thái “Thuỷ Vân Sơn” ở ngay Hải Vân này, với giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng. Anh Tiến giới thiệu, trên đỉnh Hải Vân có một cầu treo dài 25m làm bằng dây cáp bắc qua suối Thuỷ Vân Sơn; thác nước cao 100m được cải tạo thành 3 tầng, gọi là “thác Tình Yêu”. Dọc hai bên suối, Tiến bỏ nhiều công sức xây dựng 23 lán trại, nhà nghỉ, phòng karaôkê, khu vui chơi giải trí và khu bơi lội tắm mát. Tham quan mới thấy Tiến có nhiều tài nghệ về bố cục và thiết kế.

Về lại phòng khách, vợ anh kể chuyện: Từ khi khu du lịch sinh thái Thuỷ Vân Sơn đi vào hoạt động, các ngày thứ bảy, chủ nhật thường xuyên có vài ba trăm khách. Ở đây, thường xuyên có từ 10 đến 15 lao động là con, em của CCB, hằng năm còn thuê trên 500 lao động làm thời vụ. Làm ăn thành đạt, vợ chồng Tiến tham gia tích cực các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, đóng góp vào các nguồn quỹ địa phương, quỹ nghĩa tình đồng đội... được tổ chức Hội, đoàn thể và chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao.

Bài và ảnh: NGUYỄN NHÂN MÙI