Khrizantema-S: “Di sản” vũ khí chống tăng tự hành hiệu quả từ Chiến tranh Lạnh
Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành Khrizantema-S.
Nhắc tới các dòng vũ khí diệt tăng tự hành của quân đội Liên Xô (trước đấy) và Liên bang Nga, tổ hợp vũ khí diệt tăng tự hành Khrizantema-S sẽ luôn nằm đầu danh sách.Nó là thiết kế vũ khí diệt tăng, bong ke đặc biệt và tiêu biểu theo tư duy tác chiến tổng lực của Liên Xô và Nga.
Tương tự như các loại tên lửa chống tăng khác của Liên Xô và Nga được đặt tên theo một loài hoa, Tổ hợp Khrizantema-S khi dịch ra tiếng việt có nghĩa là hoa cúc vàng. Nó sử dụng khung cơ sở của xe chiến đấu bộ binh BMP 3 nổi tiếng ở khả năng cơ động, dẫn bắn đa kênh và tên lửa diệt tăng siêu âm.
Tổ hợp vũ khí này được trang bị 2 kênh ngắm bắn: Kênh ngắm quang nhờ chỉ thị bằng tia laser và kênh dẫn bằng radar băng tần mm để vô hiệu hóa mọi khả năng gây nhiễu của phương tiện đối phương, kể cả khi dùng lựu đạn khói hoặc gây nhiễu quang học, điện tử.
Tổ hợp Khrizantema-S có thể phát hiện và tấn công 2 mục tiêu cùng lúc với khoảng thời gian chờ giữa 2 lượt bắn chỉ 4 giây. Tổ hợp vũ khí này có thể phóng tên lửa khi xe đang hành tiến trên bộ hoặc dưới nước.
Theo quảng cáo của nhà sản xuất, chỉ cần 3 xe phóng Khrizantema-S là đủ để đối phó với 14 xe tăng chiến đấu chủ lực của đối phương và tiêu diệt không ít hơn 60% trong số đó.
Điều này có được phần lớn là nhờ tên lửa diệt tăng 9M123 dẫn bắn bằng tia laser và 9M123-2 dẫn bắn bằng radar với tầm bắn từ 400 tới 6.000m, tốc độ tên lửa đạt tới 400m trên giây.
Cả hai loại tên lửa trên đều trang bị đầu đạn chống tăng kiểu nối tiếp có khả năng xuyên thủng giáp dày 1.000 tới 1.200mm giáp thép, kể cả có trang bị giáp phản ứng nổ. Nó đủ khả năng đánh bại bất kỳ dòng xe tăng hiện đại nào trên thế giới hiện nay.
Trong thực chiến, các tổ hợp Khrizantema-S của Nga đã thể hiện uy lực mạnh mẽ khi bắn hạ nhiều phương tiện thiết giáp hiện đại do Mỹ và phương Tây chế tạo, mà đối phương không thể phát hiện được phương tiện mang phóng.
Kim Ngân