“Không xa đâu, Trường Sa ơi”

Năm 2017, tôi may mắn được Ban Biên tập cử đi công tác ở Trường Sa, cảm xúc khi đi thì hồi hộp, mong đợi, khi trở về thương nhớ đầy vơi. Ngày xuân sắp cận kề, nhớ về cuộc hành trình tháng 4-2017, tôi vẫn ngỡ như mình đang ở Trường Sa, gần lắm Trường Sa ơi.
Sau hơn một ngày đêm theo chuyến tàu HQ 561 chạy trên 1.000 hải lý, chúng tôi đến đảo Len Đao. Mặc dù điều kiện ăn ở sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ rất lạc quan, tin tưởng và sẵn sàng chiến đấu cao. Đến Len Đao, không ai không thể cầm lòng khi nhìn thấy đảo Gạc Ma và nhớ về hình ảnh 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma được tổ chức ngay sau khi đặt chân lên đảo. Bài học xương máu vẫn còn nguyên giá trị để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ càng thêm gắn bó, yêu quý và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thượng úy Nguyễn Đức Quý - Phó chỉ huy trưởng đảo Len Đao khẳng định với các đại biểu: Chúng tôi luôn lấy tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma để giáo dục bộ đội luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.
Đến thăm đảo Trường Sa Đông, tôi may mắn được gặp người CCB cùng đi trong Đoàn, ông tên là Nguyễn Hoàng Việt - Bí thư Đảng uỷ xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, T.P Hà Nội, từng có 4 năm làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Sau gần 40 năm được trở lại thăm đảo, CCB Hoàng Việt không giấu nổi xúc động: Tôi thật sự vui mừng vì đảo bây giờ được xây dựng lại thật vững chãi, điều kiện sinh hoạt rất đầy đủ, anh em bộ đội ai cũng khoẻ mạnh, chịu khó học tập và rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Trò chuyện với các cháu, tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Lớp cha trước, lớp con sau...” và thật xúc động khi các cháu quây quần, ôm chặt lấy tôi như người anh trở về đơn vị. Tôi chúc các cháu tiếp bước truyền thống vẻ vang của Quân đội, của cha anh để giữ yên biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ trẻ Bùi Sỹ Bắc, Cao Đăng Trung, Trần Anh Đức và các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn Đông đều có chung tâm sự: Được làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự tự hào của lớp trẻ chúng tôi. Càng phải biết ơn tổ tiên, cha ông của chúng ta, những người đã đặt viên đá đầu tiên chinh phục biển khơi, xây dựng bờ cõi giao lại cho con cháu quyền làm chủ đất nước với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dù có khó khăn, gian khổ đến mấy, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hy sinh để quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau khi đi thăm các đảo Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le, Đá Lát, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, chúng tôi đến thăm đảo Trường Sa Lớn - trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa và vô cùng vinh dự khi được tham dự lễ chào cờ trên đảo. Chào cờ là chế độ quy định, là việc làm thường xuyên của đơn vị, nhưng với tôi thật sự thiêng liêng và xúc động. Ngoài các đại biểu đến từ đất liền, còn có bà con nhân dân huyện đảo, trong đó có các cháu thiếu nhi được sinh ra ngay từ trên đảo. Các cháu tập hát Quốc ca theo bố mẹ, tập đi đều với các chú bộ đội, trông thật ngộ nghĩnh, đây là những công dân “nhí” sẽ tiếp nối truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trung tá Đỗ Bá Tuyến - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, cơ sở vật chất trên đảo ngày càng được củng cố, nơi ăn ở gọn gàng; đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đơn vị luôn phối hợp với UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho thiếu nhi, phụ nữ trên đảo.
Kết thúc cuộc hành trình 10 ngày ngắn ngủi, Đoàn công tác lên thăm Nhà giàn DK1. Bộ đội ở nhà giàn biết tin được đón Đoàn ra thăm nên ai cũng tươi vui rạng rỡ, trừ một số đồng chí được phân công làm nhiệm vụ, số còn lại đều ra tận bậc lên xuống của nhà giàn để đón Đoàn. Theo các chiến sĩ cho biết: sau sự cố sập nhà giàn do bão tố, hiện nay nhà giàn mới được xây dựng lại khang trang, vững chãi, đủ sức chống chọi với bão tố phong ba và cảnh giác với kẻ địch trong bất cứ lúc nào. Đại úy Trần Văn Sang - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1 khẳng định: “Đáp lại sự quan tâm của đất liền, cán bộ, chiến sĩ nguyện mưu trí, dũng cảm, chấp nhận hy sinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc nhà giàn với phương châm “Còn người, còn nhà giàn”...
Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà - Phó tư lệnh Quân chủng Hải Quân, Phó đoàn công tác, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo cũng khẳng định rằng: Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân uỷ T.Ư, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành T.Ư và địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài làm cho tiềm lực và diện mạo của các đảo trên quần đảo Trường Sa có sự thay đổi đáng kể. Đáp lại tình cảm tin tưởng của Đảng và nhân dân, Quân chủng Hải quân đã tuyển truyền giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Toàn Quân chủng là một khối đoàn kết thống nhất, tích cực chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tham mưu đề xuất với cấp trên và khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng Trường Sa ngày càng phát triển, thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về đạo đức lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, và luôn nêu cao tinh thân cảnh giác để chủ động trong bất cứ mọi tình huống...”.
Một mùa xuân mới đang về với quê hương đất nước, còn các anh đang tiếp tục canh trời giữ đảo, tình cảm yêu thương của đất liền được gửi vào bài hát “Gần lắm Trường Sa”, như nhắc nhở chúng ta: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi... Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh...”.
Xuân Mậu Tuất 2018
Lê Anh Thi