Không thể xem nhẹ HIV/AIDS
Mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 ca nhiễm HIV mới được phát hiện, tập trung ở các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh Điện Biên, Quảng Ninh, Sơn La, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thanh Hóa… là nguyên nhân hàng đầu gây nên gánh nặng bệnh tật ở trong nước. Từ tháng 1 đến tháng10 năm 2016, cả nước phát hiện mới 8.059 người nhiễm HIV, số chuyển sang giai đoạn AIDS là 5.266 người, số tử vong là 1.592 người. Tính đến nay, số người nhiễm HIV còn sống là 215.621 người, số người ở giai đoạn AIDS là 88.868 người, số nhiễm HIV đã tử vong là 89.412 người. Số người phát hiện mới nhiễm HIV giảm, nhưng không đáng kể, số tử vong ở mức xấp xỉ 2.000 trường hợp mỗi năm và sẽ tăng lên ở các địa phương có dịch lâu năm. Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với khoảng 220.000 người bị nhiễm HIV/AIDS, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan).
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong gần 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, với sự giúp đỡ to lớn của các tổ chức quốc tế, nước ta đạt được nhiều thành tích lớn, được đánh giá là điểm sáng trong khu vực về phòng, chống HIV/AIDS như triển khai đồng bộ công tác dự phòng; can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị. Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV tập trung triển khai tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện với nhiều cơ sở cấp phát thuốc ARV ở tuyến xã với các gói dịch vụ chăm sóc kết hợp giữa cơ sở y tế với dịch vụ chăm sóc dựa vào gia đình và cộng đồng. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với các hoạt động cụ thể. Trong 8 năm gần đây, Việt Nam giảm số nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS, giảm số chết vì AIDS và giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Rất mừng là, trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên cả nước luôn có sự tham gia tích cực của các cấp Hội và hội viên CCB; hàng nghìn tấm gương hội viên CCB ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… đã hết lòng tuyên truyền giáo dục, có nhiều biện pháp mạnh kết hợp sự yêu thương giúp con em mình cai nghiện ma túy, được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.
Kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua là đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ đồng tính trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới đáp ứng 1/3 nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế sụt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt 57% chỉ tiêu; điều trị ARV đạt 49%; dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận.
Những năm tới, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nguồn tài trợ quốc tế cho công tác này bị cắt giảm mạnh, nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng tiêu cực từ sự hòa nhập quốc tế. Hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị hiệu quả, nguy cơ dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại, số bệnh nhân tử vong tăng nhanh; tình trạng kháng thuốc ARV sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và phát triển KTXH đất nước. Do vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn rất cần các địa phương, ban ngành và mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội cần tiếp tục thực hiện sâu rộng.
Hồng Thắm