**Hiện tượng thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả **
Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến 2014 đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người; hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.
Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất gồm miến núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải.
Tính riêng đợt bão lũ 2014 gần đây, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và mưa lớn đã xảy ra các trận lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc làm chết và mất tích 24 người.
Theo các ý kiến tại Hội nghị, chính hiện tượng lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá là hiện tượng thiên tai gây ra nhiều thiệt hại hơn cả, nhất là về con người đối với Việt Nam trong thời gian qua.Tâm lý chủ quan giai đoạn “hậu bão”
Trong mưa bão, do tinh thần cảnh giác, tính tập trung trong phòng chống nên thiệt hại về người thường được hạn chế tối đa, nhưng hệ lụy của mưa bão lại gây ra những thiệt hại lớn, không đáng có do tâm lý chủ quan, sự phức tạp, khó lường của diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu và cả địa chất, thủy văn.
Xác định rõ tính chất đặc thù này, Chính phủ đã có những chỉ đạo, giải pháp riêng, trước mắt và lâu dài cho chương trình phòng tránh lũ quét, sạt lở đất trong các chương trình ứng phó và phòng chống thiên tai quốc gia.
Riêng giai đoạn 2006-2013, cả nước bố trí ổn định khoảng 171.497 hộ thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, rừng đặc dụng, vượt 14% so với mục tiêu đề ra đến năm 2015.
Tuy đạt được nhiều kết quả, song các báo cáo, tham luận tại Hội nghị cũng cho thấy vẫn còn tình trạng người chết vì lũ quét, sạt lở đất và lũ xảy ra sau bão ở nhiều địa phương do chủ quan, bất cẩn của một bộ phận người dân cũng như công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở chưa sâu sát, thiếu kiên quyết.
Công tác thống kê, di dời dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu quỹ đất tại các khu vực vùng núi cao; kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều dự án bị kéo dài, hiệu quả thấp,...

**Tập trung phòng chống ở hơn 2.100 điểm nguy cơ **
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng Việt Nam đã ngày càng hạn chế, giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai nói chung. Trước đây, mỗi năm Việt Nam mất trung bình 500 người chủ yếu do mưa bão ngoài biển, vùng ven, vùng sông nước. Còn nay bình quân 50 người chết mỗi năm do thiên tai, nhưng cũng chủ yếu là do các hiện tượng lũ, hoàn lưu mưa sau bão. Điều đáng tiếc là thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá vẫn còn lớn, chưa được khắc phục.
Căn cứ trên dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nghiêm túc đánh giá tình hình, xác định lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, với quy mô không lớn nhưng khó dự báo chính xác. Do đó, công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính.
Từ số liệu khu vực miền núi hiện đã được thống kê có 10.000 điểm dân cư, hạ tầng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, trong đó 2.100 điểm có nguy cơ cao và rất cao, Phó Thủ tướng quán triệt các địa phương cần tập trung quan tâm, hết sức cảnh giác trong phòng chống thiệt hại cho người dân.
Nhiệm vụ trước hết là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nguyên nhân đặc thù của các thiệt hại do lũ, sạt lở đất là tâm lý chủ quan, không đánh giá hết những cảnh báo, nguy cơ có thể xảy ra cần phải được khắc phục triệt để.
Các Bộ, ngành phối hợp và hỗ trợ địa phương tập trung triển khai dứt điểm, đúng tiến độ chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, di dân; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo đối với các khu vực có nguy cơ này.
Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quét; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về lũ quét, sạt lở đất, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cảnh báo khu vực xẩy ra lũ quét, sạt lở đất.
Các địa phương xem xét, đánh giá lại việc xây dựng các công trình hạ tầng có thể ảnh hưởng tới dòng chảy, công tác trồng và bảo vệ rừng, trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn chống xói lở. Chú trọng việc kiểm soát, canh gác tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua suối./.
Hùng Sơn