Không nên phá cách tiếng Việt!
Chữ quốc ngữ - tiếng Việt của chúng ta có được như ngày hôm nay là cả một quá trình dài thay đổi và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, tiếngViệt đã mất đi phần nào sự trong sáng vốn có bởi một số bạn chưa hiểu hết giá trị, nên đã vô tình làm tiếng Việt méo mó, xấu xí.
Thỉnh thoảng khi lướt vào các trang mạng xã hội, hay trên các địa chỉ nhà tại những con phố, chúng ta lại bắt gặp những chữ tiếng Việt "phá cách" theo kiểu "rút gọn" trông rất khó coi. Chẳng hạn: "220 Lạc Long Quân, F11...", "Hàng cao cấp giảm giá chỉ còn 99K",... Đồng ý rằng, trong thời đại cần nhanh gọn, nhiều văn bản còn phải tìm cách rút gọn một số từ dài để viết tắt cho ngắn, tránh mất thời gian. Nhưng không thể chấp nhận cách viết phường (P) thành Fường (F), tiền chỉ số ngàn thành K (000: thành K - là ký hiệu của kilo nên xuất hiện một khái niệm mới của giới trẻ là 1000 = 1k). Nếu chấp nhận chữ F thay thế chữ P trong tiếng Việt thì lâu ngày, chữ P có thể sẽ mất đi vị thế trong bảng chữ cái. Cũng như chữ K, hiện nay nhiều người cạn nghĩ thay thế đơn vị tiền đồng của Việt Nam. Hay một số bạn tuổi thiếu niên, dù biết những chữ mình viết ra là sai chính tả theo kiểu ngọng nhưng vẫn cố tình viết để tạo nét vui: Cả nhóm bạn ngồi ăn uống rất là zui zẻ; Bạn ăn gồi chưa? Hôm qua uống gụ say quớ; trùi ui chít mất...
Vẫn biết đây chỉ là những dòng tin hài hước, vui vẻ, tạo sự thoải mái giữa một nhóm bạn. Nhưng nếu sử dụng thường trực và lâu ngày sẽ biến thành một thói quen khó bỏ. Lúc đó có thể sẽ "nhiễm" trong văn bản viết, học hành, làm việc... Hoặc giao tiếp với người lớn tuổi, khó tính sẽ tạo ra rắc rối... Từ đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống thường nhật. Sâu xa hơn, trong tương lai, những chữ ấy có thể sẽ thay thế những từ nguyên bản trong từ điển tiếng Việt. Dẫu biết rằng tiếng Việt không ngừng vận động và phát triển. Bằng chứng là ngày càng xuất hiện những từ mới để phù hợp với xu thế trong cách diễn đạt nội dung văn bản: phượt, tệp, trình duyệt, thính (theo cách nghĩ mới), đập hộp... Tuy nhiên cần phải chọn lọc những từ tích cực và loại bỏ những từ không xứng đáng.
Hiện trên nhiều trang web tiếng Việt có phong trào bảo vệ tiếng Việt, như: vozforums.com, sinhhocvietnam.com, vietmba.com, ttvnol.com,... Đó là hành động đẹp, ý nghĩa thiết thực trong thời buổi tiếng Việt bị "xáo trộn" bởi văn hóa mạng. Những diễn đàn này đã khuyến nghị các thành viên không dùng ngôn ngữ chat, xoá những bài vi phạm... Tất cả vì muốn tôn vinh chữ quốc ngữ: “Để tiếng Việt đẹp muôn đời/ Những ngôn ngữ chat xin mời bỏ qua”. Hy vọng rằng các bạn trẻ khi tương tác trên mạng xã hội cũng nên tự đặt cho mình chuẩn mực như thế để tiếng Việt đẹp hơn, trong sáng hơn và phồn thịnh theo thời gian.
Đặng Trung Thành