Không nên dùng thuốc nam, đắp lá trị bệnh ung thư
Chế độ ăn uống khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên là những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư.
Bệnh nhân Đỗ Thị Khảng ở Hải Dương, phát hiện ung thư vú từ tháng 4-2017 nhưng lại quyết định không điều trị mà uống thuốc nam và đắp lá để tiêu khối u theo dân gian. Sau nhiều tháng đắp lá, khối u không nhỏ đi mà ngày càng to lên và vỡ.
Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Sâm. Khi phát hiện u tại vú chỉ bằng hạt đậu nhưng sau 1 năm uống thuốc nam, khối u của bà đã lên tới 7kg. Dù đã được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn nhưng khối u đã di căn.
Một bệnh nhân nam khác được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do viêm phúc mạc toàn thể vì vết loét ung thư dạ dày. Mặc dù, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ung thư dạ dày nhưng bệnh nhân đã tự ý bỏ điều trị, về nhà sử dụng thuốc nam liên tiếp trong 2 tuần dẫn đến mất giai đoạn vàng trong điều trị ung thư.
Các bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân tự ý điều trị và sử dụng các loại thuốc nam, lá để uống, đắp với mong muốn tiêu khối u ngày càng nhiều. Điều này khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn vì đa số khi vào viện đã ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Phạm Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện K trung ương khuyến cáo: “Hiện nay, chúng ta chưa chứng minh được việc đắp lá có thể điều trị hiệu quả các bệnh ung thư, đây chỉ là những bài thuốc truyền miệng không có cơ sở khoa học. Khi mắc bệnh, nếu không điều trị ngay là bỏ mất “giai đoạn vàng” để trị bệnh ung thư”.
Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này. Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình để hiểu rõ về bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không rõ nguồn gốc, chưa có cơ sở khoa học.
Thành An