Không nên ăn nấm không rõ nguồn gốc
Một loài nấm độc trong rừng tự nhiên.
Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyên mọi người khi muốn ăn nấm cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn. Ở các địa phương miền núi, khi ăn nấm nên hỏi rõ những người thực sự có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc. Không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm để xác định được rõ loài độc hay không. Lời khuyên tốt nhất là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn.
Nhiều người cho rằng loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng ăn được. Đây là một sai lầm, bởi nhiều nấm độc kiến, ốc sên, sâu bọ ăn được nhưng khi người ăn vẫn bị ngộ độc. Việc thử cho động vật (gà, chó...) ăn trước, nếu sau 1- 2 giờ, động vật không chết hoặc không bị ngộ độc là nấm không độc cũng không phải là cách nhận biết chính xác. Điều này chỉ đúng với một số loại nấm tác dụng nhanh. Bởi vì nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên. Động vật chỉ chết sau 4-5 ngày. Thậm chí, một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền... làm bằng bạc vì cho rằng nếu vật dụng đó thay đổi thành màu xám đen thì nấm có độc. Nhưng cách thử này cũng không đem lại hiệu quả bởi vì các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu. Việc phân biệt nấm độc với nấm lành khá khó khăn bởi chúng có nhiều loại.
Vì vậy, người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng trông có vẻ an toàn. Với nấm tươi, được xác định là loại ăn được cũng nên chế biến nấu ăn ngay. Nếu để ôi, dập nát lại là điều kiện hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.
Theo các bác sĩ, khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn và khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu từ lúc ăn đến khi có biểu hiện ngộ độc dưới 6 giờ thì bệnh nhân có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 giờ cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu kịp thời.
Thành An