Không gian mạng: Chủ quyền, lợi ích và những thách thức

Cùng với các chiến trường trên không, trên biển, trên bộ, trên vũ trụ thì chiến trường trên không gian mạng cũng đã chính thức được các quốc gia coi là một nhiệm vụ cấp bách cần được bảo vệ để phòng ngừa đất nước khỏi bị tấn công từ xa. Với Việt Nam, không gian mạng đã trở thành nơi mà các thế lực thù địch lợi dụng để có thể thực hiện các hành vi tấn công mạng, đánh cắp thông tin quân sự và tuyên truyền những quan điểm sai trái, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước. Vì thế làm trong sạch môi trường mạng, bảo vệ hệ thống không gian mạng an toàn là vấn đề hết sức quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Về vấn đề này, PV Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Việt Trung - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 86. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

PV: Ngay từ khi Internet ra đời thì các cuộc xung đột chính trị, quân sự trên thế giới dần chuyển sang không gian mạng với quy mô và tác động rất khó dự đoán. Có thể nói là mọi thứ xảy ra trong thế giới thực đều được phản ánh trên không gian mạng? Vậy với Việt Nam chúng ta thì đâu là những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt với không gian mạng, thưa Thiếu tướng Phạm Việt Trung?

Thiếu tướng Phạm Việt Trung: Như các đồng chí và các bạn đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu sắc đến tất cả các hoạt động của xã hội trong phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại đã làm thay đổi căn bản về tổ chức của quân đội các nước, về hình thái, về phương thức tiến hành chiến tranh. Sự ra đời của chiến tranh không gian mạng đã tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, sự phát triển không gian mạng đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ ứng dụng và sử dụng mạng Internet nhanh nhất trên thế giới. Chính phủ điện tử đang được triển khai rộng khắp tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, không gian mạng được tạo lập trên cơ sở tích hợp hạ tầng thông tin liên lạc, hệ thống thông tin chỉ huy điều hành của Quân đội và hệ thống điều khiển vũ khí, trinh sát điện tử.

Nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng và nguy cơ chiến tranh không gian mạng của nhân dân còn đơn giản. Việc phát triển hạ tầng thông tin, kết nối số chưa rộng khắp và đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, dẫn đến việc phát triển và làm chủ không gian mạng quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác các thế lực phản động triệt để sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc kích động biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội.

PV: Như vậy không gian mạng đã trở thành một chiến trường tác chiến thực sự, chúng ta không chỉ phải ngăn chặn những cuộc tấn công mạng của kẻ xấu mà còn phải ứng phó với rất nhiều những thông tin sai trái, xuyên tạc, sai sự thật đang diễn ra trên môi trường mạng. Thế nhưng lại có quan điểm cho rằng Quân đội chỉ có nhiệm vụ đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, còn việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng là thuộc lĩnh vực của dân sự, không thuộc nhiệm vụ, chức năng của Quân đội? Thiếu tướng có bình luận gì về quan điểm này?

Thiếu tướng Phạm Việt Trung: Đối với Việt Nam, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật cũng trở thành một thách thức lớn đối với sự ổn định chính trị, quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhằm triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian chiến lược mới, trên vùng chiến lược mới. Đó là không gian mạng, trong đó có khẳng định, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, và của cả hệ thống chính trị. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền và lợi ích trên không gian mạng. Chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự Việt Nam đã xác định, chiến tranh không gian mạng, chiến tranh thông tin là một trong những hình thái chiến tranh, không gian mạng là môi trường tác chiến và tác chiến không gian mạng là một hình thức tác chiến chiến lược của QĐND Việt Nam. Vì vậy, việc Quân đội tham gia làm lành mạnh môi trường Internet, mạng xã hội chính là làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

PV: Thực tế, trên thế giới đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng, ví dụ như ở Ucraina năm 2015, Venezuala năm 2019, gây mất điện trên diện rộng. Hay như năm 2008, mạng thông tin tuyệt mật của Lầu Năm góc được coi là bất khả xâm phạm cũng bị tin tặc tấn công. Và ở Việt Nam năm 2016, hệ thống thông tin của cụm cảng hàng không cũng đã bị tấn công... Như vậy, không gian mạng có thể đem lại lợi ích cho các quốc gia, song cũng đem lại nhiều nguy cơ, đúng không ạ?

Thiếu tướng Phạm Việt Trung: Nếu không gian mạng của mỗi quốc gia không được bảo vệ, như hệ thống hàng không, điện lưới quốc gia, các hệ thống điều khiển giao thông đường bộ, hệ thống tài chính ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác sẽ bị đình trệ hoặc rối loạn. Còn khi hệ thống mạng thông tin quân sự bị lộ lọt, thì các lực lượng tác chiến không gian mạng của nước ngoài có thể chiếm quyền điều khiển, thực hiện các hành động nhằm gây rối loạn, tê liệt hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và hệ thống điều khiển vũ khí, nhằm phá hủy tiềm lực quân sự, quốc phòng của quốc gia đó.

PV: Như vậy, với tính chất phức tạp của hình thái chiến trường mạng và nhất là những hậu quả như đồng chí vừa chia sẻ thì chúng ta cần có những biện pháp gì để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên chiến trường đặc biệt này?      

Thiếu tướng Phạm Việt Trung: Trước hết, chúng ta phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin. Thứ hai, chúng ta cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Thứ ba, chúng ta phải tiếp tục kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tập trung phát triển khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật để phòng chống chiến tranh không gian mạng.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng Phạm Việt Trung.

Văn Lực (thực hiện)