Không được uống cồn sát khuẩn
Thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Chí K., 56 tuổi, ở thị xã Phú Thọ. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nhiều năm, do bị ngăn cấm nên đã mua cồn sát khuẩn 90 độ về pha uống, dẫn đến ngộ độc methanol rất nặng.
Ông K. uống gần cạn chai cồn, sáng hôm sau có biểu hiện lơ mơ, nôn nhiều, được gia đình đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, nôn nhiều, mắt không nhìn thấy gì, khó thở, toan chuyển hóa. Ông K. được truyền kiềm bằng cách cho dùng ethanol 20% đường uống, lọc máu cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân đã tỉnh trở lại, huyết động ổn định nhưng não bị tổn thương nghiêm trọng. Hình ảnh chụp MRI cho thấy, sọ não bị hoại tử nhân bèo hai bên, mất thị lực 2 mắt.
Ths.BS Hà Thị Bích Vân - Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân K. được xuất viện nhưng thị lực 2 mắt đã mất vĩnh viễn. Các tổn thương ở não ảnh hưởng đến vận động, trí nhớ sẽ cần thêm thời gian để đánh giá.
Theo các chuyên gia y tế: Methanol là cồn công nghiệp, nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm, người ngộ độc sẽ đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Khi vào cơ thể, methanol chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt.
Việc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc methnol rất tốn kém, tỷ lệ tử vong cao. Những ca thoát chết cũng để lại di chứng nặng nề ở não, mắt rất nặng nề như phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
Hải Tiến