Truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) còn cho biết quả bom này có thể được dùng để gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa. Cuộc thử nghiệm do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo là "thành công hoàn hảo" và đánh dấu một bước "đầy ý nghĩa" trong việc hoàn thiện chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngay sau tuyên bố của Bình Nhưỡng các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều xác nhận địa chấn tại Triều Tiên là vụ thử hạt nhân.
Người lo lắng nhất lúc này chưa hẳn là Hàn Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia láng giềng trong vùng xung đột - mà là tổng thống Donald Trump vì ông “trót” tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” trước đây rằng, ông sẽ là người giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Bắc Triều Tiên. Hơn 7 tháng cầm quyền đã trôi qua, có vẻ như lời hứa cứa tổng thống Trump đã không thành hiện thực.
Thực sự thì không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đều đã biết tham vọng của Bắc Triều Tiên từ nhiều thập kỷ nay quyết tâm làm chủ vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền của mình trước sự đe doạ của Mỹ và đông minh. Nhưng nước Mỹ bất lực không ngăn cản được, hay chính xác hơn nước Mỹ trong hơn 20 năm nay kể từ thời tổng thống Bill Clinton (từ năm 1993) đã không có một chính sách đúng để hạ nhiệt, tiến tới phi hạt nhân hóa hạt nhân ở Bắc Triều Tiên.
Tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên được nhen nhóm và nuôi dưỡng từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và khối XHCN còn hùng mạnh và phát triển.
Lúc đó Bắc Triều Tiên đã nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc cả về tài chính, lẫn đào tạo cán bộ khoa học để nghiên cứu và phát triển năng lượng nguyên tử ứng dụng trong dân sự. Lúc đó Triều Tiên chưa dám thể hiện tham vọng thực sự cùa mình, do còn nể “hai ông anh cả”.
Thế nhưng mọi sự đã thay đổi, khi Liên Xô và hệ thống XHCN sụp đổ, thì chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Triều Tiên cũng bắt đầu “tăng tốc”. Tất cả nguồn nhân lực và vật lực mà Triều Tiên tích luỹ được nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô trong công nghệ điện nguyên tử dân sự đã được điều chuyển sang hướng chế tạo và phát triển vũ khí hạt nhân quốc phòng để chống lại Mỹ.
Đứng trước tình hình đó, thay vì tiến hành những bước đi phù hợp thì Tổng thống Bill Clinton lại ký hiệp ước có giá trị lên tới cả tỉ USD viện trợ dầu và thực phẩm cho Triều Tiên, đổi lại quốc gia này phải ngưng việc phát triển vũ khí nguyên tử. Triều Tiên ký và coi các cam kết với Mỹ là hiệp ước giữa hai nước, chứ không phải cam kết mang tính toàn cầu.
Đến lúc thấy tình thế phức tạp, năm 2002 tổng thống Bush ra quyết định chấm dứt viện trợ. Triều Tiên phản đối và năm 2006 chính thức đáp lại Mỹ bằng việc thử trái bom đầu tiên, nhỏ bằng 1/10 bom Hiroshima.
Thấy tình hình trở nên nguy cấp, Tổng thống Bush huy động hậu thuẫn quốc tế, ký Hiệp ước đa phương 6 nước gồm, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Nội dung tương tự như hiệp ước của tổng thống Clinton, nhưng có thêm chữ ký của Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đầu năm 2009, khi tổng thống Obama vừa tuyên thệ xong, Hiệp ước đa phương bị Triều Tiên “xé nát” bằng việc thử nghiệm tên lửa tầm xa lần đầu.
Trong 8 năm cầm quyền của mình, Obama đã cố tình lờ đi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong chính sách ngoại giao của mình, nhưng lại không ngừng củng cố mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Các cuộc tập trận thường niên; những căn cứ quân sự của Mỹ đặt ở hai nước đồng minh dường như càng thúc dục Triều Tiên mau mau phát triển vũ khí nguyên tử!
Mùa Xuân năm 2017, Triều Tiên lần đầu tiên thử tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới bang California của Mỹ, nhưng rớt cách xa mục tiêu. Các chuyên gia quân sự cho rằng, chứng tỏ Triều Tiên chưa đủ khả năng điều khiểu hữu hiệu tên lửa hiện đại nhất này.
Nhưng rồi!.. từ thông tin tình báo, các chuyên gia lại dự đoán, nếu hai nước tiếp tục căng thẳng, khả năng Triều Tiên đánh bom nguyên tử vài thành phố của Mỹ có thể trở thành hiện thực vào cuối năm 2018.
Nhìn lại quá trình leo thang của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên thì trách nhiệm rõ ràng là của cả ba đời tổng thống Mỹ: Clinton, Bush và Obama. Cả ba ông đều nhìn thấy nguy cơ, nhưng đều “thong dong” vì biết Triều Tiên chưa đủ khả năng “ném bom nguyên tử vào nước Mỹ” khi các vị còn tại vị.
Tới lúc này, có lẽ Tổng thống Trump đã nhận ra một sự thật phũ phàng là “Không đùa được với Triều Tiên” thì đã quá muộn, nếu vẫn duy trì chính sách ngoại giao kiểu “con nhà giầu”.
Có người í nhị bảo ông Trump nên đọc truyện ngụ ngôn “Kiến và voi” của Việt Nam để hoạch định lại chính sách ngoại giao của nước Mỹ.
TS. Nguyễn Hoàng Anh