Không để Tổ quốc bị bất ngờ trước các tình huống trên không (07/01/2013)

Liên tục từ tháng 4-1975 đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) luôn phát huy truyền thống kiên cường bám trận địa, bám đài “gạn lọc trong mây mù” phát hiện, chuyển báo mục tiêu về sở chỉ huy sẵn sàng chiến đấu.

Chúng tôi cùng với chiếc xe máy thận trọng leo dốc qua những khúc cua ngoằn ngoèo đến với Trạm ra-đa 29. Nơi đó, trên đỉnh núi trời đang mưa nặng hạt, gió rít mạnh từng cơn, sương mù quyện đặc. Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, mặc dù cửa đã đóng kín nhưng sương mù vẫn len lỏi chui qua khe cửa làm ướt đẫm mặt bàn, ghế, nền nhà, pha trà mời khách, Thượng úy Nguyễn Thanh Dũng, Chính trị viên trạm cho biết: So với không phận cả nước thì vùng trời miền Trung-Tây Nguyên có nhiều đường bay quốc tế và trong nước bay qua, với mật độ lượt mục tiêu bay dày, liên tục cả ngày và đêm. Hơn thế, Trạm ra-đa 29 đứng chân làm nhiệm vụ trên một vị thế chiến lược quan trọng của đất nước, nơi nối liền giữa biển với rừng núi trùng điệp. Đây cũng là nơi quân địch thường chú ý, lợi dụng vào các yếu tố khách quan để tiến hành các vụ đột nhập bất ngờ bằng đường không. Với mật độ bay nhiều và liên tục, đồng nghĩa với việc mở máy quan sát, phát hiện mục tiêu cũng phải theo kịp với mật độ bay qua không phận. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quán triệt rõ trách nhiệm cho mỗi CBCS trong thi hành nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu. Trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong mỗi phiên canh trực là “Quản lý vùng trời, không để sót lọt mục tiêu”, “Không để Tổ quốc bị bất ngờ trước các tình huống trên không”, đó là các tiêu chí hành động của mỗi CBCS toàn đơn vị. Ngày và đêm ngoài ca kíp trực theo quy định, các ca kíp trực tăng cường, quản lý các chuyên cơ A, được CBCS thực thi nhiệm vụ nghiêm túc chưa để một sai sót nào trong công tác kỹ thuật hoặc để cấp trên nhắc nhở. Từ niềm tin đó, hằng năm đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan sát, phát hiện, thông báo mục tiêu bay qua không phận luôn đạt tỷ lệ 100%.

Thượng úy Đỗ Xuân Vũ, Trạm trưởng đưa chúng tôi đến tham quan những nơi bộ đội làm nhiệm vụ canh trực, ăn ở, sinh hoat, tăng gia, chăn nuôi… khiến cho lòng chúng tôi cảm phục nhiều về các anh. Nơi đỉnh núi Sơn Trà, mùa hè nắng nóng khô hanh; mùa đông gió rét mưa nhiều, sương mù bao phủ. Thời tiết khắc nghiệt là vậy, thế mà bộ đội ta vẫn trồng được rau xanh, chăn nuôi heo, trong chuồng luôn có 9-12 con, mỗi con nặng 30-60kg. Bữa ăn của bộ đội thường xuyên có từ 4 đến 5 món, chất lượng ăn hằng ngày luôn được cải thiện. Khắc phục tình trạng thiếu nước về mùa hè, trạm đã ngăn suối lắp đặt một máy bơm nước tải lên độ cao 300m để phục vụ nấu cơm, nước uống cho bộ đội. Còn việc thường ngày tắm, giặt, các chiến sĩ phải leo dốc đi và về gần 6km, khi về không quên cõng theo can nước để sinh hoạt ngày hôm sau.

Chỉ tay về dãy cây cảnh trên hiên nhà, Thượng úy trẻ Xuân Vũ cho biết: Đó là sản phẩm mà các chiến sĩ trong những ngày nghỉ đã vào rừng tìm về ươm trồng, trong đó có những giỏ phong lan đã nở hoa, hai cây mai tết năm ngoái để lại đã chớm nụ báo hiệu xuân về, Tết đang đến với trạm ra-đa. Vui đón xuân dưới cánh sóng ra-đa đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; 68 năm ngày thành lập quân đội (22-12). Tết năm 2013, trạm ra đa đã đón tiếp nhiều đoàn cán bộ TP Đà Nẵng đến thăm, tặng quà. Trên sân của đơn vị, thấp thoáng trong sương mù, các CBCS và học sinh, sinh viên, thanh niên cùng chung vui múa hát, tạo nên buổi gặp mặt sôi động, ý nghĩa, tôn vinh giá trị, nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó.

Bài và ảnh: Nhân Mùi