Không chủ quan khi đã khỏi Covid-19
Sau khi khỏi bệnh, chúng ta cần tuân thủ nghiêm 5K để chống nhiễm và tái nhiễm Covid-19.
Việc tái nhiễm Covid-19 với người vừa mắc Covid-19 là hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy người dân không nên chủ quan khi vừa khỏi bệnh. Khả năng tái nhiễm Covid-19 sau khi vừa khỏi bệnh như thế nào?
Rất nhiều người sau khi mắc Covid-19 đã chủ quan cho rằng mình có kháng thể cực mạnh, lại đã tiêm 3 mũi vắc-xin nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp mắc Covid-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần hai.
TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (Trường đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này, ví dụ như Delta, sau đó là nhiễm biến chủng mới như Omicron. Đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn”.
Bản thân là người bị tái nhiễm hai biến chủng virus khác nhau, TS Bùi Lê Minh đánh giá giữa chủng Delta và Omicron sẽ có những đặc điểm khác nhau, đó là: Người nhiễm biến chủng Delta rất nhiều người bị khả năng phát hiện mất mùi (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất khứu giác). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm từ nhau không ai mất khứu giác thì rất có thể 80-90% là nhiễm Omicron.
Đối với việc một số trường hợp mắc Covid-19 trong vòng 1 tháng đã tái nhiễm, theo TS Minh thì điều này rất khó xảy ra trên cùng một biến chủng. Bởi sau một tháng mắc Covid-19, hệ miễn dịch đang ở trạng thái đủ khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, không loại trừ vì có những người hệ miễn dịch yếu, không tuân thủ 5K thì các virus khác hoặc biến thể mới có thể xâm nhập được. Đó là lý do mọi người tuyệt đối không chủ quan.
Đồng quan điểm với TS Bùi Lê Minh, TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm T.P Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc tái nhiễm Covid-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau”.
Dù vậy, bác sĩ Khanh khuyên mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19. Với những người chưa tiêm vắc-xin, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm Covid-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng.
Các bác sĩ cho rằng, người càng lớn tuổi, bệnh nền, người bị suy giảm chức năng miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường, tim mạch mạn tính, cấy ghép tạng, người chưa tiêm vắc-xin... khả năng tái nhiễm cao hơn.
Để ngăn chặn Covid-19, bao gồm cả tình trạng tái nhiễm các biến chủng mới, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, Việt Nam và nhiều quốc gia triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ ba. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Ăn uống, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện thể thao, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tái nhiễm.
Thành An