Không bỏ dân trong gian nguy
Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như khi hòa bình, tôi đã trải qua nhiều công việc khác nhau như: Bí thư Đảng - Đoàn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam... Trên bất cứ cương vị công tác nào, tôi cũng được nhân dân ủng hộ, đùm bọc, chở che, giúp tôi không ít lần vượt qua “lằn ranh sinh tử”. Đăc biệt, tôi không thể nào quên kỷ niệm khi tham gia Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Khi đó, tôi là cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam, được phân công trực tiếp chỉ huy lực lượng chính trị và binh vận, hỗ trợ tích cực cho lực lượng vũ trang tấn công vào quận lỵ Lý Tín (theo cách gọi của chính quyền ngụy, hiện nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), vành đai diệt Mỹ - Chu Lai.
Nhận nhiệm vụ, tôi cải trang thành dân thường, dẫn đầu hơn 3.000 người kéo về quận Lý Tín. Khi đoàn đấu tranh chính trị đến quốc lộ 1A thì lực lượng vũ trang nhận được lệnh rút lui. Chúng tôi chưa có lệnh mới nên vẫn tiếp tục tiến về phía quận lỵ. Không có lực lượng đánh địch như hiệp đồng ban đầu nên khi chúng tôi gần đến nơi thì đã bị địch bao vây tứ phía. Trước tình thế bất ngờ, tôi vận động nhân dân vây xung quanh và tổ chức nhanh chóng cuộc họp với các đảng viên, cán bộ cốt cán để tìm cách đối phó với địch. Thống nhất trong cuộc họp, tôi được phân công ở lại cải trang hợp pháp để bảo vệ nhân dân và cơ sở bí mật. Sau đó, tôi và số cán bộ cốt cán hướng dẫn cho nhân dân chạy tán loạn nhiều hướng để chớp thời cơ mở rộng vòng vây cho hơn 2.500 người dân cùng nhiều đảng viên, cán bộ hợp pháp thoát ra ngoài an toàn. Đồng thời, lực lượng du kích cùng cán bộ đội công tác bất hợp pháp cũng nhanh chóng tách ra khỏi khối nhân dân để đánh địch, mở đường lui về vùng giải phóng. Sau nhiều giờ bao vây, gọi hàng, địch chỉ bắt được gần 200 người, đưa về giam giữ tại nhà tù Lý Tín.
Tranh thủ thời gian khoảng 2 đến 3 ngày đầu, chúng chưa làm gì, tôi quyết định thành lập chi bộ trong tù gồm có 5 đảng viên, giao cho chị Một làm Bí thư; thành lập chi đoàn thanh niên, giao cho chị Nguyễn Thị Đều làm Bí thư, chị Lê Thị Hiện làm Phó bí thư; phân công các đồng chí đảng viên phụ trách trung đội du kích B (du kích mật). Lực lượng còn lại, tôi cho thành lập 22 tổ binh vận là cơ sở cốt cán để đấu tranh chính trị, chống đánh đập, hướng dẫn chị em biết cách trả lời khi bị địch tra hỏi. Tôi đưa ra khẩu hiệu: “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể” và quán triệt phương châm: “Sa vào tay giặc chỉ có một lòng, một hướng, không ai nói khác và hành động khác, chỉ nghe theo mệnh lệnh chỉ huy, chết cùng chết, sống cùng sống”.
Những ngày sau đó, tôi tập trung làm công tác binh địch vận, bảo vệ nhân dân khỏi bị khai thác, chịu sự đánh đập của kẻ thù và động viên nhân dân, cán bộ kiên định lập trường và vững vàng hơn. Địch bắt đầu hành động, chúng bắt một số người tra khảo dã man, đánh gãy tay, gãy xương sườn, gãy răng… Dưới đòn thù của giặc, bà con biết rất rõ vai trò của tôi và một số đảng viên khác nhưng quyết chịu đựng, một lòng không khai báo. Tôi cũng bị chúng đánh ngất xỉu nhiều lần. Thấy vậy, chị em muốn tôi thoát ra ngoài để lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhưng tôi nói với các đồng chí của mình: “Nếu tôi thoát được thì địch sẽ giết hết chị em. Tôi không bỏ dân, bỏ cơ sở trong lúc này được!”.
Những ngày sau đó, tôi hướng dẫn chị em kiên trì đấu tranh với địch, vận động 2 người lính là cơ sở của ta liên lạc ra ngoài báo cáo tổ chức và mua thuốc, sữa để chăm sóc những người bị đánh. Nắm được tình hình của chúng tôi, các đồng chí ở ngoài đã tổ chức cho nhân dân các xã Kỳ Xuân, Kỳ Khương, Kỳ Hưng (Nam Tam Kỳ) kéo về quận Lý Tín gây áp lực đòi thả những người bị bắt. Địch bối rối vì phải lo đối phó cả bên trong và bên ngoài. Vì vậy, sau 7 ngày tra tấn, khủng bố nhưng không khai thác được gì, chúng đành thả tự do cho tất cả những người bị bắt. Gần 200 người là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cơ sở và bà con nhân dân được bảo vệ an toàn. 5 ngày sau, đồng chí Võ Thứ - Phó bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ thông tin cho tôi biết là địch đang ráo riết truy lùng tôi, vì ta nghe chúng trao đổi với nhau là đã thả nhầm con Việt cộng nguy hiểm.
Sau thắng lợi này, Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá cao ý chí và hành động kiên cường, tinh thần dũng cảm của tôi trước quân thù và nhạy bén sáng tạo trong chỉ huy. Ngay trong năm 1968, tôi được cử đi dự Đại hội Thi đua toàn tỉnh và được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh.
Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh kể, Long An ghi.