Theo đơn ông Ảnh và tài liệu gửi kèm thì Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ANĐT ngày 4-7-2018, có nội dung: Căn cứ đơn ông Phạm Văn Ảnh tố cáo và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, xác minh. Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 BLHS, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam (Đại tá Phạm Hoài Nam) đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, quyết định khởi tố cũng được gửi tới VKS cùng cấp.
Được biết, đơn của ông Ảnh tố cáo Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT tỉnh Hà Nam vào thời điểm năm 2007 đã không xem xét kỹ lưỡng hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Công ty CP phát triển Hà Nam (Công ty Hà Nam), tiến hành cấp Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần thứ 4, 5 , 6, 7 cho cổ đông mới là Công ty tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (do ông Trần Anh Tuấn làm đại diện) khi mua lại 98,03% cổ phần của Công ty CP ATA (do ông Phạm Văn Ảnh làm đại diện) tại Công ty Hà Nam mà chưa thực hiện hết các quyền và nghĩa vụ của bên mua.
Vẫn theo đơn ông Ảnh, có tình tiết đáng chú ý là việc cấp Giấy ĐKKD thay đổi lần thứ 8, 9 và 10, ông Ảnh cho rằng Phòng ĐKKD - Sở KHĐT tỉnh Hà Nam dựa trên các “Biên bản họp Hội đồng Cổ đông giả mạo” do ông Trần Anh Tuấn tạo ra, để làm hồ sơ thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp…
Trước đó, Báo CCB Việt Nam từng có nhiều bài viết phản ánh những “lình xình” trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty ATA và Công ty CP tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam.
Theo đó, ngày 21-4-2007, Công ty ATA do ông Phạm Văn Ảnh làm đại diện cùng bà Nguyễn Thị Thương là cổ đông sáng lập Công ty Hà Nam (Bên A) và Công ty CP tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam cùng ông Trần Anh Tuấn (Bên B) ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP với nội dung: Bên A đồng ý chuyển nhượng 100% cổ phần đã góp vào Công ty Hà Nam cho Bên B với giá trị 104.867.500.000 đồng (làm tròn 104,8 tỷ đồng).
Ngoài số tiền phải trả, trong Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần còn có ràng buộc, thỏa thuận cam kết "Bên B phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, các quy định về thực hiện dự án và các hợp đồng mà Bên A đã ký". Ở đây, có nghĩa là, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Bên A đã đầu tư vào hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn 2 và Dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn 2. Tại Dự án Khu nhà ở Đồng Văn 2, người đại diện pháp luật của Bên A đã ký Hợp đồng góp vốn với hơn 20 hộ dân và 1 tổ chức Doanh nghiệp (Công ty TNHH Khải Hương - nay là Công ty CP Đầu tư TST mà Báo CCB Việt Nam đã phản ánh) góp tiền đầu tư vào Dự án Khu nhà ở. Tuy nhiên, sau khi mua lại cổ phần và làm thủ tục thay đổi ĐKKD cho các cổ đông mới (Bên B), người đại diện pháp luật của cổ đông mới tại Công ty Hà Nam đã “lật kèo”, bội ước quay ra khởi kiện lại các Hợp đồng góp vốn, mua đất của các hộ dân tại Dự án Khu nhà ở Đồng Văn 2; vi phạm nguyên tắc giao kèo trong Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 mà hai bên đã ký năm 2007.
Đến thời điểm này, đã có 3 bản án sơ thẩm và 3 bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành án. Một vụ kiện nữa mà TAND tỉnh Hà Nam đang thụ lý. Ngoài ra, còn hơn 20 hộ dân ký Hợp đồng góp vốn vẫn còn đang tranh chấp với chủ đầu tư nhưng từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, tại dự án Khu nhà ở Đồng Văn 2, chủ đầu tư là Công ty Hà Nam vẫn cho tổ chức thi công và treo pano rao bán rầm rộ những lô đất. Đáng nói là vụ việc tòa án đang thụ lý vụ kiện; cơ quan chức năng, có văn bản yêu cầu dừng thi công, dừng việc rao bán, nhưng Chủ đầu tư vẫn “phớt lờ”, bỏ ngoài tai. Thực hư vụ việc này, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin tới bạn đọc.
Ban Bạn đọc