Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 04/C46 (P10) ngày 28/9/2011. Quá trình điều tra vụ án đến nay đã có căn cứ xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng ACB số tiền 718,908 tỷ đồng.
Để xẩy ra hậu quả thiệt hại này có hành vi cố ý làm trái của một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB đã ra chủ trương để Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền VND và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước qui định. Trong đó có việc gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-8%/năm đã bị Huỳnh Thị Hiền Như chiếm đoạt 718,908 tỷ đồng. Những việc làm của các thành viên Trường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã sai qui định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số: 02/2011/TT-NHNN ngày 03/03/2011 của Ngân hàng Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,908 tỷ đồng.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và xác định của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số: 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17/5/2012 đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Sau khi thống nhất với Viện KSND Tối cao, ngày 20/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải về tội Cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự. Ngày 18/9/2012, đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên về tội Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, qui định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.
Đối với ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, nguyên phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB (đã có đơn từ nhiệm) ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai qui định, gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng là người đồng phạm với Kiên và Hải về tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố đối với 04 trường hợp nêu trên.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, do các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật nên Cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện KSND Tối cao áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012, trả lời báo chí, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định quyết định xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật là một trong các hoạt động nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và trên tinh thần mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ông nhấn mạnh 4 bị can này bị khởi tố sau khi đã từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao ACB, nên không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng này.Theo Bộ trưởng, thâu tóm ngân hàng có nhiều thủ đoạn, các cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện được, báo cáo Chính phủ. Chính phủ cũng đồng ý để cho các cơ quan có biện pháp xử lý. Bộ trưởng cho biết thêm, phiên họp thường kỳ tháng này của Chính phủ không tập trung bàn tới các vấn đề vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng Thủ tướng vẫn nhấn mạnh quan điểm kiên trì các giải pháp xử lý cả những vấn đề trước mắt và lâu dài. Trước mắt là xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nợ xấu, hàng tồn kho, vốn và thị trường cho doanh nghiệp. Trong dài hạn, sẽ thực hiện tốt tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế với 3 mũi nhọn. Riêng với tái cơ cấu ngân hàng, Bộ trưởng cho biết sẽ sắp xếp theo đúng quy định các ngân hàng cổ phần yếu kém, gắn với đó là thực thi nghiêm pháp luật, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là các hành vi nhằm thâu tóm trái phép. Việc sắp xếp xử lý các ngân hàng cổ phần đang được triển khai đúng tiến trên cơ sở tự nguyện và với mục tiêu cao nhất là làm lành mạnh hóa hệ thống. Theo kế hoạch, trong năm 2013 sẽ phải xử lý xong tất cả các ngân hàng yếu kém. A Hoàng