Khởi sắc Long Hưng (23/12/2011)
Những năm chiến tranh, nhân dân Long Hưng đã kiên cường đánh giặc bảo vệ quê hương, xã được tuyên dương Anh hùng LLVTND và có 39 bà mẹ VNAH, 1.342 gia đình có công với nước.
Về Long Hưng lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng quê kháng chiến năm xưa. Con đường từ quốc lộ 1A vào trung tâm của xã tráng nhựa phẳng phiu, trường học, trạm y tế, trụ sở xã được xây dựng khang trang, bề thế. Trò chuyện với chúng tôi, CCB Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Văn Xây, Chủ tịch UBND cho biết: Long Hưng có chiều dày truyền thống cách mạng nên được tỉnh, huyện quan tâm giúp đỡ và Đảng bộ, nhân dân phát huy tinh thần tự lực vượt mọi khó khăn vươn lên xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Những năm gần đây cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân phá thế độc canh cây lúa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhân dân đã cải tạo vườn tạp nâng diện tích trồng cây ăn quả lên 1.025 ha, cho sản lượng trên 13.325 tấn/năm với nhiều đặc sản như vú sữa Lò Rèn, ổi không hạt, bưởi da xanh... Nhiều gia đình đào ao nuôi cá, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô bán công nghiệp và trồng rau màu, cung cấp nhiều thực phẩm cho thị trường. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ với 250 cơ sở sản xuất kinh doanh như xay xát lúa gạo, đan lát mây tre, buôn bán hàng hóa không ngừng phát triển, giá trị sản xuất đạt 35 tỷ đồng/năm, chiếm 25% tổng giá trị kinh tế của xã. Ngoài ra, hơn 1.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp Bình Đức, Tân Hương đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và xã hội.
Kinh tế phát triển đa dạng, đúng hướng nên đời sống nhân dân ngày càng cải thiện; hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên 10 triệu đồng/năm, giảm số hộ nghèo còn 9% theo tiêu chí mới. Nhân dân đã góp nhiều công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi, bảo đảm 100% số hộ có điện thắp sáng và sử dụng nước sạch; hầu hết các tuyến đường liên ấp đều tráng nhựa hoặc lát bê tông, bắc cầu kiên cố qua kênh rạch. Các hộ gia đình luôn gương mẫu đóng góp đầy đủ các khoản và ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã gần 1 tỷ đồng, xây cất 105 căn nhà tình nghĩa, tình thương tặng các gia đình có công với nước. Bình xét hàng năm hơn 95% số hộ dân và 9/9 ấp đều đạt tiêu chuẩn văn hóa, xã đang phấn đấu đến năm 2015 được công nhận nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang.
Cuộc sống đổi thay ở Long Hưng còn có sự đóng góp của 325 hội viên CCB, trước đây đứng ở tuyến đầu đánh giặc, cứu nước, ngày nay đi đầu trên mọi mặt công tác, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Hội tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, làm nòng cốt xây dựng “3 chi” (chi bộ, chi hội CCB, chi đoàn thanh niên) ở 9 ấp vững mạnh, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của địa phương. Đặc biệt Khu di tích lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa do tỉnh đấu tư xây dựng tại đình Long Hưng rộng 16.000m2 gồm các khu tưởng niệm, trưng bày hiện vật, di ảnh các vị lãnh đạo qua các thời kỳ cách mạng đã trở thành “địa chỉ đỏ” để Hội CCB góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Với nghĩa tình đồng đội gắn bó keo sơn, Hội đã tín chấp vay các quỹ ưu đãi trên 1 tỷ đồng/năm và vận động hội viên góp quỹ, vay không lấy lãi, luân chuyển cho nhau làm ăn; ưu tiên số hộ nghèo nhận vốn trước và được chi hội hỗ trợ cây con giống, công lao động. Quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, đến nay trong Hội chỉ còn 5 hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm 35%; có 75 hội viên làm kinh tế tổng hợp theo mô hình VAC, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm…
Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Hội CCB cùng Đảng bộ và nhân dân địa phương đang đem hết tâm sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng danh truyền thống của vùng đất Long Hưng anh hùng.
Thành Viên