Khơi dòng đổi mới

Lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị Chính phủ.
Cũng từ hội nghị quan trọng này, khi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đạt toàn diện cả 13 chỉ tiêu, với tốc độ tăng trưởng 6,81% - tốc độ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã sưởi ấm lại hi vọng, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thập niên gần đây hiếm có năm nào lại lắm cam go, giông gió như năm 2017. Thế giới biến động khó đoán định đến ngày cuối cùng của năm cũ cũng chưa hết bất ngờ. Còn trong nước, thiên tai hoành hành, hết hạn hán lại bão lũ, thiệt hại lên đến 60.000 tỷ đồng; nền hành chính cồng kềnh với nhiều quy định dường như để phục vụ một nhóm lợi ích nhiều hơn phục vụ toàn dân; tham nhũng lớn có, tham nhũng nhỏ có; diễn biến, chuyển hóa bên trong nguy cơ lớn hơn bên ngoài...

Trước những khó khăn, thách thức ấy, ngay sau quý I - 2017 nhiều nhà hoạch định kinh tế đã lên tiếng cảnh báo và đề nghị hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng.

Nhưng! Chính phủ kiên quyết không những không hạ chỉ tiêu mà còn đòi hỏi phải đạt cao hơn. Đó hoàn toàn không phải là “quyết tâm chủ quan” mà có cơ sở. Vì Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã "bắt mạch" được góc khuất đang làm đất nước trì trệ; bắt mạch được lòng dân đang khát khao mong đợi Đảng chỉnh đốn, gột rửa sai sót để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh.

Vấn đề là khơi thông dòng chảy đổi mới.

Và công cuộc kiến tạo đất nước đã được khởi động “đốt nóng” từ Trung ương, từ người đứng đầu. Đó là cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính; tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khẳng định vị thế trọng yếu của thành phần kinh tế tư nhân; trả lại tên cho nền kinh tế mũi nhọn nông nghiệp, “tìm lại tài nguyên trong nước mặn...”

Đặc biệt, Đảng đã đốt lên “ngọn lửa” chống tham nhũng, lãng phí theo nguyên tắc “quét nhà từ trên quét xuống”; cảnh báo không chỉ với những người đã phát hiện ra, mà kể cả những người chưa bị phát hiện; những người đang làm việc, cũng như những người đã nghỉ làm việc quyết tâm tuyên chiến của Đảng với giặc nội xâm; không có vùng cấm và đương nhiên không phải cứ “hạ cánh” là an toàn.

Bước sang năm 2018 chắc chắn còn nhiều cam go, vì tăng trưởng của nền kinh tế năm qua mới chủ yếu “đánh thức” vào các lợi thế vốn có của của đất nước lâu nay “ngủ quên”, như công nghiệp chế biến xuất khẩu, nông nghiệp và một số lĩnh vực ngành dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ, trong khi tăng trưởng bền vững đòi hỏi phải từ tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và kỹ năng quản trị lao động...

Kết nối khó khăn giữa khu vực trong nước và đầu tư nước ngoài; thua lỗ ở các dự án của doanh nghiệp nhà nước; cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp; nền kinh tế chưa sẵn sàng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta, vừa là nhiệm vụ phải cải cách vừa là thách thức trong năm 2018 mà cả hệ thống chính trị của đất nước phải vào cuộc để khắc phục.

Nhưng trên hết và trước hết, Đảng phải tiếp tục đổi mới tư duy - xây dựng thể chế phù hợp, siết chặt kỷ cương hơn nữa thì Đảng mới đoàn kết quy tụ được lòng dân, mới gánh vác được trọng trách là Đảng cầm quyền.

Đó cũng là cơ sở cho đất nước cất cánh.

Huy Thiêm