Khởi công Trung tâm Bảo trợ xã hội, đào tạo dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam

Dự lễ khởi công có Đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Danh dự VAVA, Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội, Đồng chí Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch- tổng thư ký Hội; Ngài Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Venezuela tại Việt Nam; Ngài Evgueni Stoytchev, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bulgaria; Đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện các nhà tài trợ, các nhà thầu xây dựng…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được sự đồng ý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 28/4/2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, trực thuộc Trung ương Hội. Ngày 27/4/2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quyết định cho phép thành lập Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ và Kỹ thuật Trần Hưng Đạo. Ngày 9/10/2014, Bộ cũng đã có quyết định công nhận Hội đồng Quản trị Nhà trường.
Dự án được tiến hành trên diện tích 16,7 ha đất quốc phòng do Cục Hậu Cần - Bộ Tổng tham mưu quản lý được Bộ Quốc phòng có Quyết định cho phép Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được đầu tư xây dựng. Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 – 2015) đầu tư xây dựng các công trình cần thiết nhất để đưa Trung tâm Bảo trợ xã hội vào hoạt động, gồm đường giao thông, công trình điện nước, nhà nuôi dưỡng nạn nhân, cơ sở xông hơi tẩy độc. Giai đoạn 2 (2016 – 2018) xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của Trung tâm và toàn bộ các công trình của Trường Cao đẳng Nghề. Tổng mức đầu tư là 351 tỉ đồng; trong đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội là 151 tỉ đồng, Trường Cao đẳng Nghề là 200 tỉ đồng.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam nhằm tri ân những người đã cống hiến vì Tổ quốc, giảm bớt nỗi đau cho các thế hệ nạn nhân và gia đình nạn nhân. Đối tượng tiếp nhận là các nạn nhân chất độc da cam không có khả năng tự phục vụ cho bản thân, người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; và đào tạo nghề cho các đối tượng xã hội khác. Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh cũng gửi lời cảm ơn tới Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Yên Bình quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội triển khai Dự án. Đánh giá đây là một công trình có ý nghĩa xã hội nhân đạo sâu sắc, thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam, thời qian qua, khi có chủ trương đầu tư xây dựng, đã có hàng chục tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ kinh phí để triển khai thực hiện Dự án như Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Hội Cựu chiến binh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Phát biểu tại lễ khởi công, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hoan nghênh Hội và các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực để đưa Dự án vào thực hiện. “Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau da cam vẫn còn day dứt trong nhân dân. Ngày ngày, những người anh hùng vô danh, những nạn nhân của chất độc da cam vẫn phải sống trong sự dày vò mà chất độc da cam/dioxin để lại. Vì vậy, việc xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng đào tạo và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Tôi mong rằng với vai trò là trung tâm chăm sóc, bảo trợ và phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam lớn nhất cả nước, sau khi dự án đi vào hoạt động, Hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để công việc chăm sóc nạn nhân đạt hiệu quả cũng như truyền đạt kinh nghiệm cho các trung tâm nhỏ hơn làm tốt công việc của mình.”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Cũng tại đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tiếp tục kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ kinh phí để sớm hoàn thành Dự án, đảm bảo chất lượng và góp phần giảm bớt nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ. Tại lễ khởi công công trình, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhận được hơn 34 tỷ đồng từ các nhà tài trợ./.
Tin và ảnh: Quang Vinh